Hướng tới phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

Tỉnh ta có bờ biển dài 105 km, môi trường nước biển trong sạch, độ mặn cao và ổn định quanh năm là những thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS). Những năm qua, hoạt động NTTS trên biển luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo, đạt được những kết quả khả quan.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến đầu năm 2022 toàn tỉnh có 216 hộ làm nghề nuôi biển với 3.534 lồng/95.000 m2, giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho khoảng 1.000 lao động. Đối tượng nuôi chủ yếu là các loài có giá trị kinh tế cao như: Tôm hùm, cá bớp, cá mú Trân Châu, cá chim vây vàng, cá bè vẩu. Sản lượng nuôi biển hằng năm đạt khoảng 562 tấn; trong đó, tôm hùm 80 tấn, cá biển 482 tấn. Ngoài ra, còn có 91 hộ nuôi hàu với 314 bè, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 1.274 tấn.

Người dân Khánh Hải (Ninh Hải) nuôi hàu tại khu vực Đầm Nại đạt sản lượng cao. Ảnh: Văn Nỷ

Hoạt động nuôi biển đang ngày càng phát triển, các hộ chú trọng áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Hiện nay, một số cơ sở nuôi cá chim vây vàng đã sử dụng lồng nhựa HDPE; tiếp cận, áp dụng quy trình công nghệ nuôi tiên tiến. Tuy vậy, nghề nuôi biển ở tỉnh ta vẫn còn một số khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến phát triển ổn định, bền vững. Do đặc điểm vùng biển Ninh Thuận là biển hở, trong khi vật liệu kết cấu lồng bè đơn giản theo truyền thống như hiện nay rất khó để nuôi ổn định quanh năm tại một khu vực biển nhất định.

Thực tế cho thấy, mặc dù tỉnh đã quy hoạch vùng NTTS, nhưng vào mùa gió Tây - Nam thổi mạnh (từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm) các lồng bè nuôi tôm hùm, cá bớp, cá chim của người dân các phường Đông Hải, Mỹ Hải, Mỹ Đông, Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) ở vùng nuôi C1, C2 thuộc vùng biển xã Thanh Hải (Ninh Hải) thường di chuyển về tránh trú tại khu vực biển Bình Sơn - Ninh Chữ gây ô nhiễm nguồn nước, không đảm bảo vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch biển. Mặc dù ngành chức năng, chính quyền địa phương đã đề ra nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng vẫn chưa giải quyết được một cách triệt để. Bên cạnh đó, lĩnh vực nuôi biển còn mang tính tự phát, không có đàn cá bố mẹ dẫn đến thiếu chủ động trong sản xuất. Đối với tôm hùm giống vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn khai thác tự nhiện và nhập ngoại, có giá cao, chất lượng không ổn định, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chăm sóc cá mú Trân Châu nuôi trong bể xi măng. Ảnh: T.Thịnh

Để sản xuất bền vững, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các địa phương tham mưu xây dựng kế hoạch phát triển NTTS trên biển, đảm bảo việc tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngành Nông nghiệp cũng đã đề xuất tích hợp quy hoạch vùng nuôi biển vào Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, vùng B có diện tích 35 ha ở khu vực Đầm Nại chủ yếu nuôi hàu Thái Bình Dương; vùng C (gồm các tiểu vùng C1, C2, C3 và C4) có tổng diện tích khoảng 1.260 ha, thuộc huyện Ninh Hải nuôi các loại cá biển, tôm hùm, nhuyễn thể và rong biển; vùng D có diện tích 100 ha thuộc khu vục biển xã Phước Dinh (Thuận Nam) chủ yếu nuôi trồng rong sụn.

Nhìn chung, các vùng biển được quy hoạch NTTS có độ sâu và chất lượng nước thích hợp cho quá trình sinh trưởng và phát triển các đối tượng nuôi. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình không được che chắn bởi các rạn và đảo, vì vậy để phát triển nuôi biển ổn định tại các vùng quy hoạch cần phải thay đổi phương thức nuôi, đầu tư cải tiến nâng cấp lồng bè theo hướng công nghiệp, hiện đại. Hướng tới thực hiện đạt mục tiêu, tỉnh đã đề xuất trung ương hỗ trợ đầu tư đồng bộ và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cùng với các thiết bị tiên tiến, hiện đại; đồng thời, làm cầu nối giới thiệu những doanh nghiệp lớn, có năng lực, kinh nghiệm đến Ninh Thuận tham gia đầu tư nuôi biển.