Kể từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát đến nay, các địa phương trong tỉnh đều bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm, đời sống của người dân, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do. Để đảm bảo người dân không ai bị bỏ lại phía sau trong mùa dịch, song hành cùng công tác phòng, chống dịch bệnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai kịp thời nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp tổng thể nhằm kịp thời ứng phó với dịch bệnh. Đặc biệt, các gói hỗ trợ từ Chính phủ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg được giải quyết kịp thời giúp người dân vượt qua “cơn bão” COVID-19.
Ngay sau khi các nghị quyết được ban hành, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” toàn hệ thống chính trị của tỉnh đã nỗ lực, không quản ngày đêm, ngày nghỉ cuối tuần, cố gắng thực hiện phê duyệt nhanh nhất có thể để chính sách hỗ trợ sớm đến được tay người dân. Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên tục tổ chức các cuộc họp đột xuất và định kỳ hằng tuần để trực tiếp chỉ đạo phòng, chống dịch và triển khai công tác an sinh xã hội; hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Các cấp thẩm quyền liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành và làm căn cứ pháp lý để có cơ sở chủ động tổ chức triển khai thực hiện. UBND tỉnh cũng đã chủ động ủy quyền cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phê duyệt danh sách và kinh phí cho đối tượng lao động tự do nên giảm bớt thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian phê duyệt sớm 2 ngày so với quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương có liên quan sớm thẩm định trình phê duyệt các đối tượng thụ hưởng và trong mỗi quy trình từ cấp cơ sở lên đến cấp tỉnh đều rút ngắn so với Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg nhưng vẫn đảm bảo thời gian niêm yết công khai tại địa phương. UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện; đồng thời ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; đặc biệt là liên tục ban hành các quyết định phê duyệt hỗ trợ nhóm lao động tự do được Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền.
Lãnh đạo Công đoàn các khu công nghiệp trao tặng khẩu trang cho doanh nghiệp, góp phần bảo vệ
sức khỏe cho người lao động. Ảnh: U.Thu
Cùng với đó, để các chính sách an sinh xã hội được thông tin rộng khắp đến với tất cả người dân, UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, nội dung và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết 116/NQ-CP, Quyết định số 23/202l/QĐ-TTg; Kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Công tác truyền thông được tăng cường bằng nhiều hình thức, đã tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, kết quả thẩm định, phê duyệt hồ sơ và chi hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP với tổng 12 chính sách đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động đến thời điểm hiện nay là 90.277 lượt lao động với kinh phí hơn 126,46 tỷ đồng. Đối với Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, toàn tỉnh đã thực hiện chi qua tài khoản cho 25.382 lao động hơn 61,77 tỷ đồng (có 171 lao động tự nguyện không nhận chế độ hỗ trợ/500,4 triệu đồng). Bên cạnh đó, để cùng với cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã kêu gọi sự ủng hộ của các tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm với tổng số tiền trên 126 tỷ đồng, trong đó ủng hộ bằng tiền 45,6 tỷ đồng, ủng hộ trang thiết bị, vật tư y tế trị giá khoảng 46,4 tỷ đồng và các chương trình an sinh xã hội do các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ trị giá trên 34 tỷ đồng. Có thể khẳng định, các chính sách đã ban hành kịp thời, nhanh chóng, cơ bản hỗ trợ được người dân, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương và chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch như người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; đối tượng bị giảm thu nhập, mất việc làm, gặp khó khăn do đại dịch gồm người lao động, hộ kinh doanh và doanh nghiệp với nhiều gói hỗ trợ trực tiếp đã góp phần san sẻ những gánh nặng của người dân trong đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Có thể thấy, dù là tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng đã chủ động, sáng tạo trong công tác chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch, không để người dân nào bị đói, không ai bị thiếu ăn, thiếu mặc. Những kết quả đạt được đã minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong triển khai thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của tỉnh, một trong những điều kiện không thể thiếu giúp tỉnh chiến thắng đại dịch, trở lại trạng thái “bình thường mới”, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, đem lại sự bình an, ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân trong tỉnh.
Bình An