Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hòa lưới 471 MW và khởi công 699 MW các dự án năng lượng tái tạo

Theo dự kiến, trong năm 2022 tỉnh ta có 19 dự án năng lượng tái tạo (NLTT) hoàn thành hòa lưới và khởi công mới. Trong đó, hoàn thành hòa lưới 10 dự án (gồm: 5 dự án điện mặt trời, 3 dự án điện gió, 2 dự án thủy điện) với tổng công suất 471 MW và khởi công mới 9 dự án (gồm: 4 dự án điện mặt trời, 5 dự án điện gió) tổng công suất 699 MW.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh ta đã kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ ban hành giá điện gió, điện mặt trời (các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư); đồng thời hướng dẫn cụ thể về hình thức, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện dự án NLTT làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Trong số 10 dự án NLTT dự kiến hoàn thành hòa lưới trong năm 2022, đến nay có 3 dự án điện mặt trời và 1 dự án điện gió đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đó là các dự án: Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 công suất 80 MW khởi công từ quý IV-2020, hoàn thành xây dựng tháng 4-2021 (đã hoàn thành một phần công suất 40 MW/80 MW trong năm 2020). Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.3 công suất 40 MW khởi công quý IV-2020, hoàn thành xây dựng quý III-2021 (đã hoàn thành một phần công suất 6 MW/40 MW trong năm 2020). Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.4 công suất 80 MW khởi công quý IV-2020, hoàn thành xây dựng vào ngày 31-5-2021. Dự án điện gió Habaram công suất 93 MW khởi công tháng 1-2021, hoàn thành tháng 10-2021 (đã COD 24 MW/117 MW). Bên cạnh đó còn có 2 dự án điện mặt trời, 2 dự án điện gió và 2 dự án thủy điện đang triển khai thi công, cụ thể: Dự án điện mặt trời Phước Thái 2 và Phước Thái 3 công suất 120 MW khởi công từ tháng 3-2022, dự kiến hoàn thành phát điện tháng 9-2022. Dự án điện gió Công Hải 1 giai đoạn 1 và 2 với công suất 28 MW, dự kiến hoàn thành quý IV-2022. Dự án hồ thủy điện Mỹ Sơn công suất 20 MW khởi công tháng 4-2020, dự kiến hoàn thành phát điện tháng 8-2022. Dự án thủy điện Tân Mỹ công suất 10 MW khởi công 13-4-2020, dự kiến hoàn thành phát điện tháng 4-2022.

Dự án điện gió tại huyện Thuận Bắc. Ảnh: Phan Bình

Đối với 9 dự án dự kiến khởi công trong năm 2022 hiện đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch. Trong đó, có 3 dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư (gồm: Phong điện VN Power số 1, Nhà máy điện dùng năng lượng tái tạo Phước Nam - Enfinity - Ninh Thuận, Nhà máy điện gió Phước Hữu); 6 dự án còn lại chưa cấp quyết định chủ trương đầu tư. Riêng dự án Nhà máy điện dùng NLTT Phước Nam - Enfinity - Ninh Thuận đang trình Bộ Công Thương thẩm định phương án đấu nối. Nguyên nhân còn khó khăn, vướng mắc là do Chính phủ chưa ban hành về giá điện và chưa có hướng dẫn cụ thể về hình thức, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện dự án NLTT, do đó chưa có cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo (như lựa chọn chủ đầu tư, cấp quyết định chủ trương đầu tư...).

Nhằm kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đưa các dự án NLTT vào vận hành hòa lưới điện trong năm 2022; ngày 20-4-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1660/KH-UBND về việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hòa lưới 471 MW và khởi công 699 MW các dự án NLTT. Kế hoạch của UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố để khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Theo đó, đối với Sở Công Thương thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình triển khai dự án để kịp thời tham mưu hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành (thủ tục hướng tuyến đường dây đấu nối, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và công tác nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng theo phân cấp,...); định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả và tiến độ thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục pháp lý về đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ như: Hướng dẫn chủ đầu tư dự án lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế (nếu có), xem xét, cấp giấy phép liên quan việc sử dụng lòng hồ, vùng bán ngập (nếu có),... giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh có liên quan trong quá trình thực hiện dự án thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của ngành. Các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính... chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện và chủ đầu tư tham mưu UBND tỉnh theo các nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành mình như: Thỏa thuận tổng mặt bằng dự án, cấp phép xây dựng (nếu có); tham mưu cấp quyết định chủ trương đầu tư, gia hạn tiến độ dự án; thẩm định và trình phê duyệt phương án giá đất để phục vụ cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng...

Nhà máy Điện mặt trời Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn. Ảnh: Trần Duy

UBND các huyện chủ trì phối hợp với các sở, ngành, chủ đầu tư dự án thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư theo quy định; vận động tuyên truyền các hộ dân trong vùng dự án tạo điều kiện thuận lợi trong việc bàn giao đất để thực hiện dự án đầu tư đúng tiến độ; đảm bảo an ninh trật tự khu vực triển khai dự án; phối hợp các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ thi công (nếu cần thiết), không để xảy ra các trường hợp khiếu kiện khiếu nại về đất đai, đảm bảo hài hòa lợi ích của chủ đầu tư và người dân địa phương tại nơi thực hiện dự án.

Các chủ đầu tư dự án tập trung nguồn lực, khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục pháp lý và đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng để sớm đưa dự án vào vận hành thương mại. Tăng cường phối hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân trong vùng dự án tạo điều kiện thuận lợi giao đất để thực hiện dự án, có chính sách bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng cho Nhân dân bị ảnh hưởng, tránh phát sinh tình trạng khiếu kiện, khiến nại, dẫn đến kéo dài, làm chậm tiến độ dự án. Trước ngày 15 hằng tháng, các chủ đầu tư dự án thực hiện báo cáo tiến độ đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương để tổng hợp, theo dõi.