Chị Tài Công Thị Nhành: Vượt khó nuôi 3 con học đại học

Để tương lai các con có nghề nghiệp ổn định, ngày sau không phải vất vả như mình, gia đình chị Tài Công Thị Nhành, thôn Phước Nhơn 1, xã Xuân Hải (Ninh Hải) luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, tảo tần làm kinh tế với quyết tâm chăm lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn, là một trong những tấm gương điển hình về sự vượt khó nuôi 3 con học hành đỗ đạt.

Chị Tài Công Thị Nhành, thôn Phước Nhơn 1, xã Xuân Hải (Ninh Hải),
phơi cây dược liệu làm thuốc Nam bán tại nhà.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, chị Nhành khoe những tấm giấy khen từ thời đi học của các con được dán kính tường nơi trang trọng nhất; những thành tích học tập này là niềm vui, động lực giúp gia đình chị vượt qua những năm tháng vất vả, rồi kể chúng tôi nghe về hành trình tìm con chữ cho các con của mình. Thuở mới ban đầu lập nghiệp, gia đình chị mưu sinh nay đây mai đó bằng nghề đi bán thuốc Nam gia truyền được ông bà truyền nghề lại. Từ năm 1993, khi các con chào đời, cuộc sống gia đình lại thêm khó khăn, vì đi bán thuốc dạo ở các tỉnh khác nên chỉ có thể gửi con cho ông bà chăm giúp. Sau nhiều năm bươn chãi, nhận thấy các con không ở gần ba mẹ sẽ ảnh hưởng đến việc học hành, suy nghĩ, đắn đo nhiều lần, vợ chồng chị bàn nhau để chị bỏ nghề đi bán thuốc Nam ở nhà làm kinh tế và chăm con. Bắt đầu từ 1 ha đất bỏ hoang của gia đình, chị bắt tay vào cải tạo đầu tư trồng lúa, còn chồng chị vẫn đi bán thuốc Nam kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày. Giai đoạn khó khăn nhất của gia đình chị là khi các con bước vào giảng đường đại học, bởi lúc này các chi phí cho con đi học cũng ngày một nhiều hơn. Để các con không phải bỏ học giữa chừng, chị đi vay mượn xoay xở khắp nơi và tiếp cận các chính sách của Nhà nước hỗ trợ sinh viên vay vốn để lo cho con ăn học. Từ đây, mỗi ngày của chị luôn “đầu tắt mặt tối” với ruộng đồng, ngoài trồng lúa, ban ngày chị còn nhận khoán thu gom rác thải trên địa bàn thôn kiếm thêm thu nhập, nhiều khi trở về nhà thì trời đã tối nhem nhưng chị vẫn cần mẫn rọi đèn cắt cỏ cho đàn cừu 30 con. Có thể nói, đàn cừu như nguồn sinh kế để chị có đồng vốn lớn, khi các con cần thì bán lo tiền học phí, chi phí sinh hoạt học tập, nên chị chẳng dám ngơi nghỉ ngày nào. Nhưng bù lại sự vất vả của ba mẹ là các con chị đều chăm ngoan, học giỏi và hiểu chuyện. Không giấu được niềm tự hào khi nói về các con của mình, chị Nhành tâm sự: Thời gian trước, kinh tế gia đình còn khó khăn, vào những ngày không đến trường, các con đều thay nhau phụ giúp gia đình công việc nhà và chăn nuôi đàn cừu, có hôm mẹ về trễ thì phụ cắt cỏ, cho cừu ăn. Vất vả là thế nhưng các con rất hiếu học, chỉ có thời gian học vào ban đêm, nên lúc nào cũng học đến tận khuya, đứa lớn dạy lại cho đứa nhỏ, rồi học bài, làm bài cùng nhau. Cả 3 con luôn là học sinh khá, giỏi nhiều năm liền rồi thi đậu đại học. Con trai đầu Thành Da Sin (sinh năm 1993) tốt nghiệp ngành Sinh học tại Trường Đại học Đà Lạt, con trai thứ hai Thành Hu Sên (sinh năm 1995) tốt nghiệp ngành Ngoại ngữ tại Trường Đại học Phú Yên, con gái út Thành Nữ Mai Sum (sinh năm 2002) đang học năm thứ hai ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Giờ đây, hai con trai đầu đã ra trường có công việc ổn định với mức thu nhập khá và có điều kiện giúp đỡ ba mẹ. Ở tuổi gần 50, gia đình chị Tài Công Thị Nhành không còn lo toan vất vả, cuộc sống khấm khá, đủ đầy, nhà cửa khang trang. Giấc mơ con chữ của vợ chồng chị đã được các con thấu hiểu, hiếu thảo dồn sức thực hiện và đạt được thành quả tốt đẹp.

Bằng chính sự nỗ lực vượt khó nuôi con ăn học thành tài, chị Tài Công Thị Nhành là tấm gương tiêu biểu trong phòng trào khuyến học, khuyến tài của địa phương. Vinh dự là một trong những điển hình xuất sắc được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen “Phụ nữ tiêu biểu” năm 2020 và là điển hình tiêu biểu đại diện phụ nữ tỉnh dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII tại Hà Nội vừa qua.