Đồng chí Phan Thành Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Cà Ná chia sẻ: Từ một làng chài ven biển thuộc xã Phước Diêm với đời sống trung bình, đến nay, sau 30 năm tái lập tỉnh, 13 năm chính thức thành lập, có thể khẳng định Cà Ná là xã biển, đời sống ngư dân sung túc nhất trong số các xã biển trên địa bàn tỉnh. Về kinh tế, Cà Ná hôm nay phát triển toàn diện trên các ngành, lĩnh vực. Trong đó, thủy sản vẫn giữ vai trò ngành kinh tế mũi nhọn; công nghiệp - xây dựng duy trì mức tăng trưởng trên 7% trong nhiều năm qua. Các ngành du lịch, thương mại- dịch vụ phát triển sôi động, đa dạng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.
Trường THCS-THPT Đặng Chí Thanh. Ảnh: V.Nỷ
Cà Ná tự hào xây dựng được thương hiệu nước mắm nổi tiếng khắp mọi miền Tổ quốc. Người dân Cá Ná hết sức vui mừng khi Nhà nước quan tâm xây dựng ngôi chợ hạng 2 với tổng vốn đầu tư 14,5 tỷ đồng làm nơi buôn bán, giao thương. Cùng với đó, cảng Cà Ná được nâng cấp, mở rộng trở thành cảng cá lớn nhất tỉnh, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo công ăn việc làm và mức thu nhập khá cho hàng trăm lao động địa phương. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, theo quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trên quê hương Cà Ná hôm nay, một ngôi trường liên cấp THCS và THPT mang tên chính người Anh hùng Đặng Chí Thành đã được xây dựng khang trang, rộng rãi và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, giai đoạn hiện nay, Cà Ná đang là tâm điểm đầu tư của rất nhiều dự án lớn về du lịch, năng lượng tái tạo, hạ tầng công nghiệp ven biển, vận tải biển, dịch vụ cảng biển và đô thị biển. Trên cơ sở đó, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Cà Ná đang ra sức thi đua, đoàn kết, thống nhất phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng xã Cà Ná đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2022, tiến tới trở thành đô thị loại V, giai đoạn 2021-2025.
Ngọc Diệp