30 năm nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”

Sau 30 năm tái lập tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà không ngừng nỗ lực vượt khó, huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp, nâng cao chất lượng dạy và học, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Ngược thời gian về thời điểm tái lập tỉnh (tháng 4-1992), hệ thống GD&ĐT tỉnh ta tuy có bước phát triển so với những năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam 1975, song mạng lưới, CSVC trường, lớp phục vụ công tác dạy học vẫn còn thiếu thốn. Toàn tỉnh chỉ có 55 cơ sở giáo dục mầm non (MN), 106 trường tiểu học (TH), 18 trường THCS, 5 trường THPT với khoảng 82.000 học sinh (HS). Tỉnh không có trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trung tâm giáo dục thường xuyên; nhiều xã chưa có trường MN, TH; còn nhiều phòng tranh, tre, nứa lá, HS phải học nhờ, học tạm, học ca ba. Các mô hình giáo dục chất lượng cao, giáo dục ngoài công lập, giáo dục HS khuyết tật... chưa được quan tâm, chú trọng.

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, mạng lưới, quy mô trường lớp trên địa bàn tỉnh được xây dựng, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, đảm bảo phủ kín từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đến đầu năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 280 cơ sở giáo dục công lập; trong đó, có 64 trường MN, 133 trường TH, 61 trường THCS và 20 trường THPT với trên 133.000 HS. Đầu tư xây dựng CSVC trường lớp, trong giai đoạn 2016-2020, Sở GD&ĐT được giao vốn thực hiện 17 công trình, với 134 phòng học được xây mới tập trung cho cấp học MN và TH tại các xã vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Các nguồn vốn đầu tư sau khi phân bổ được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đến nay 100% công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, giúp các địa phương từng bước hoàn thiện mạng lưới trường lớp.

Trường THCS Trần Phú (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: Văn Nỷ

Điều đáng ghi nhận là cùng với nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, trong những năm học qua, ngành GD&ĐT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án một số chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở thực hiện xã hội hóa hoạt động trong lĩnh vực GD&ĐT giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030. Thông qua công tác kêu gọi xã hội hóa, số vốn hỗ trợ, đầu tư cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đạt 582,8 tỷ đồng; trong đó, thu hút các doanh nghiệp tham gia triển khai 11 dự án xây dựng trường học, với tổng vốn đăng ký trên 361 tỷ đồng; huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tu sửa trường lớp, xây dựng phòng chức năng, nhà công vụ... đạt 221,5 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 23 trường, 167 nhóm lớp MN và 2 trường liên cấp ngoài công lập đào tạo HS từ cấp MN đến THPT. Việc xây dựng, phát triển của hệ thống giáo dục ngoài công lập là xu hướng tất yếu, góp phần xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu học tập của HS, giảm tải áp lực cho các trường công lập.

Đối với giáo dục miền núi, giáo dục “mũi nhọn”, bên cạnh các trường MN, phổ thông thông thường, toàn tỉnh có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú, 11 trường phổ thông dân tộc bán trú được Nhà nước thành lập cho con em các dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; có Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn-thành lập, đi vào hoạt động từ năm học 2008-2009 với nhiệm vụ tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Đối với giáo dục đặc biệt, năm 2015, tỉnh thành lập đưa vào hoạt động Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập giúp trẻ khuyết tật được học văn hóa, giáo dục kỹ năng sống, phục hồi chức năng và hướng nghiệp để có thể hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn Ảnh: T.D

Nhìn chung, với sự quan tâm, chăm lo của tỉnh, đến nay, ngành GD&ĐT tỉnh ta có bước phát triển ngày càng mạnh mẽ. CSVC trường, lớp từng bước được chuẩn hóa, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia không ngừng tăng lên. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 116 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 53,7%, vượt 0,2% so với kế hoạch. Trong đó, cấp TH có 77/133 trường, đạt 57,9%; cấp THCS 31/61 trường, đạt 50,8%, cấp THPT 8/22 trường, đạt 36,4%; riêng cấp MN có 23/90 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 25,6%. Trong năm 2022, tỉnh tiếp tục đầu tư CSVC trường lớp, phấn đấu có từ 55-56% trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Đi đôi với đầu tư phát triển CSVC, chất lượng giáo dục cũng được nâng lên. Hiện nay, hầu hết cán bộ, giáo viên của ngành có trình độ đạt chuẩn, tâm huyết, yêu nghề, tích cực đổi mới phương pháp sư phạm, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần tạo động lực giúp HS chăm ngoan, thi đua đạt kết quả cao trong học tập. Năm học 2020-2021, vượt qua những khó khăn, xáo trộn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cán bộ, giáo viên, HS toàn ngành đã linh hoạt điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học, nỗ lực vượt khó hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép” vừa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, vừa hoàn thành kế hoạch năm học và đạt nhiều kết quả tích cực. Điển hình là trong kỳ thi HS giỏi văn hóa cấp quốc gia năm học 2020-2021, HS tỉnh ta lần đầu giành 1 giải Nhất, cùng với đó là 2 giải Nhì, 4 giải Ba và 8 giải Khuyến khích. Toàn tỉnh có tỷ lệ HS MN 5 tuổi đến trường đạt 100,6%; 99,88% HS tốt nghiệp THCS; 95,31% HS tốt nghiệp THPT... Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập đạt kết quả tích cực, với 7/7 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục TH, THCS và xóa mù chữ. Đối với cán bộ, giáo viên, có 6 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác GD&ĐT từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen...

Những kết quả đạt được đã góp phần giúp cán bộ, giáo viên, HS toàn ngành nâng cao chất lượng dạy học theo hướng toàn diện; củng cố, giữ vững niềm tin của phụ huynh đối với chất lượng dịch vụ giáo dục trong những năm học tới; đồng thời, nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển.