Nhiều giá trị VH truyền thống của dân tộc và của địa phương được bảo tồn và phát huy tốt; con người Ninh Thuận ngày một hoàn thiện về tâm hồn và thể chất đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng và phát triển cũng như hội nhập quốc tế.
Biểu diễn nghệ thuật tại Lễ công bố và đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt
tháp Hòa Lai và tháp Pô Klong Garai. Ảnh tư liệu
Thời kỳ đầu tái lập tỉnh, do những khó khăn nhất định mà các hoạt động VH trên địa bàn cơ bản do các nhóm, đội, câu lạc bộ (CLB) thôn, xóm, xã, phường tự tổ chức; không gian VH dường như bị lắng chìm, tiêu biểu nhất chỉ có hoạt động chiếu phim, nhưng do điều kiện phương tiện, thiết bị kỹ thuật còn hạn chế, giao thông đi lại khó khăn nên số lượng buổi chiếu cũng còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân. Từ năm 1998 trở đi, hoạt động VH đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền VH Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tiếp đó là Nghị quyết số 33- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển VH, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Kết quả thực hiện các nghị quyết Trung ương về VH trên địa bàn qua các thời kỳ đã góp phần làm cho đời sống VH cơ sở phát triển phong phú, lành mạnh hơn; môi trường VH được cải thiện, giá trị VH truyền thống được gìn giữ và phát huy.
Đồng chí Văn Công Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Ngành đã tập trung thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, tỉnh về xây dựng và phát triển VH, con người, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, bền vững. Các hoạt động VH được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và địa phương, tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia, hưởng thụ các sản phẩm VH, rút ngắn khoảng cách hưởng thụ VH - nghệ thuật giữa các vùng, miền. Các hoạt động VH, nghệ thuật quần chúng diễn ra sôi nổi từ tỉnh tới cơ sở, nhiều liên hoan, hội diễn, chương trình văn nghệ thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng, tạo môi trường VH lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân và bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Phụ nữ xã Ma Nới (Ninh Sơn) biểu diễn đánh chiêng. Ảnh: S.N
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản VH được quan tâm, đã gặt hái những thành quả đáng tự hào. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 239 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê. Đã có 65 di sản VH đã được lập hồ sơ xếp hạng ở các cấp. Cụ thể: Có 2 di tích Quốc gia đặc biệt (tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai), 18 di sản cấp Quốc gia và 45 di tích, di sản VH được xếp hạng cấp tỉnh, bao gồm di tích lịch sử cách mạng, đình, đền, lăng, miếu. Bên cạnh các di tích, di sản đã được xếp hạng và công nhận ở các cấp còn có hệ thống các lễ nghi, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn học nghệ thuật dân gian của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh là vốn quý về VH, tô đậm thêm bức tranh VH nhiều màu sắc của tỉnh Ninh Thuận. Đặc biệt, năm 2017, nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc được đưa vào vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hiện nay tỉnh đã xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” trình UNESCO đưa vào Danh sách di sản VH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đến nay, hồ sơ đã hoàn chỉnh và đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đệ trình UNESCO vào tháng 3-2019. Cùng với giá trị di sản VH vật thể, Ninh Thuận còn có những giá trị di sản VH phi vật thể đặc sắc mang đậm nét VH của mỗi dân tộc. Đó là các lễ hội Chăm: Katê, Ramưwan... hay lễ hội và phong tục tập quán của người Raglai được duy trì qua Lễ bỏ mả, trình diễn nghệ thuật Mã la, Lễ ăn đầu lúa... tạo nên bản sắc VH riêng có của Ninh Thuận. Các di sản VH phi vật thể được bảo tồn, phát huy, có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống VH tinh thần của Nhân dân, góp phần gìn giữ bản sắc VH dân tộc và mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển du lịch.
Biểu diễn nhạc cụ Chăm tại làng gốm Bàu Trúc. Ảnh: Sơn Ngọc
Song song đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh, đã thực sự trở thành cuộc vận động rộng lớn, ngày càng nâng cao chất lượng, có sức lan tỏa và thu hút toàn xã hội tham gia, góp phần làm lành mạnh môi trường VH ở các khu dân cư, các cơ quan, doanh nghiệp. Khởi đầu năm 1992, Ninh Thuận phát động xây dựng thôn VH đầu tiên tại thôn Rã Giữa, xã Phước Trung (Bác Ái) và là thôn phát động xây dựng đầu tiên của cả khu vực miền Trung - Tây nguyên và miền Đông Nam Bộ; trải qua 30 năm triển khai thực hiện, công tác xây dựng thôn, khu phố VH, gia đình VH đã thực sự đi vào chiều sâu, phát triển toàn diện góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay toàn tỉnh có 154.922/177.135 hộ được công nhận gia đình VH, có 392 thôn, khu phố VH được công nhận; 12/18 phường, thị trấn đạt văn minh đô thị; 29 xã nông mới (trong đó 6 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao), 2 huyện đạt huyện nông thôn mới, hằng năm trên 96% cơ quan, doanh nghiệp đều đạt cơ quan, doanh nghiệp VH. Hệ thống thiết chế VH từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư mở rộng bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước thông qua thực hiện Đề án phát triển hệ thống thiết chế VH thông tin cơ sở và huy động các nguồn lực xã hội đã phát huy công năng sử dụng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt VH tinh thần của Nhân dân.
Ông Phan Quốc Anh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng: Giá trị VH, hình ảnh mảnh đất và con người Ninh Thuận, nhất là thập niên trở lại đây, đã vượt ra khỏi giới hạn khu vực để đến với Nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế thông qua việc tổ chức các sự kiện VH, chương trình nghệ thuật lớn mang đặc trưng riêng của Ninh Thuận. Các chương trình, sự kiện VH được tổ chức trong thời gian vừa qua, ngoài việc phục vụ nhu cầu thưởng thức VH, nghệ thuật của Nhân dân và du khách đã góp phần bảo tồn giá trị VH truyền thống dân tộc đồng thời là kênh quảng bá, giới thiệu về mảnh đất, VH, con người Ninh Thuận đến với bạn bè trong nước và nước ngoài một cách hiệu quả. VH Ninh Thuận góp nhiều giá trị vào dòng chảy chung của VH dân tộc và nhân loại.
Đội nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglai xã Vĩnh Hải (Ninh Hải). Ảnh: Sơn Ngọc
Bước sang giai đoạn mới với nhiều thời cơ song cũng nhiều thách thức, tiếp nối thành tựu 30 năm đổi mới và phát triển, ngành VH Ninh Thuận tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Trong đó, tập trung xây dựng VH, con người Ninh Thuận thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ, hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ, thực sự là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng Ninh Thuận phát triển toàn diện, bền vững trên mọi bình diện của đời sống xã hội. Phấn đấu thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sự nghiệp VH đi sâu vào chất lượng, nâng cao mức hưởng thụ đời sống VH tinh thần cho Nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền VH tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng con người Ninh Thuận phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, xây dựng môi trường VH lành mạnh, phù hợp với bối cảnh đất nước mở rộng hội nhập, giao lưu VH quốc tế.
Anh Kiệt