Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi trở lại thăm di tích Khu tập trung (KTT) Bà Râu, nơi đây vào ngày 7-2-1959 đã diễn ra một sự kiện có ý nghĩa lịch sử: Quân và dân ta nổi dậy phá KTT Bà Râu, mở đầu cho phong trào khởi nghĩa giải phóng chiến khu Bác Ái. KTT Bà Râu trước đây thuộc địa bàn xã Phước Kháng, nay thuộc xã Lợi Hải (Thuận Bắc) - đây là KTT được chính quyền Sài Gòn chọn làm kiểu mẫu trong việc thực hiện âm mưu “dồn dân, lập ấp” để biến căn cứ cách mạng thành vùng trắng, ngăn cách Nhân dân với cách mạng.
Chứng tích còn lại của di tích Khu tâp trung Bà Râu là một hội trường nằm trong khuôn viên Trường Tiểu học Lợi Hải (Thuận Bắc).
Ở Ninh Thuận, sau khi xin ý kiến của cấp trên Tỉnh ủy đã xác định đây chính là thời cơ để vận động, hướng dẫn đồng bào nổi dậy phá KTT “bung” về với núi rừng quê hương. Đêm 30 Tết Kỷ Hợi (tức đêm 7-2-1959), lợi dụng ngày Tết bọn địch sơ hở, mất cảnh giác, dưới sự hướng dẫn của cán bộ cách mạng gần 3.000 đồng bào các xã: Phước Kháng, Phước Chiến trong KTT Bà Râu đồng loạt nổi dậy phá KTT, kéo nhau về núi. Do sự chuẩn bị khá chu đáo, bất ngờ của ta và sự đồng tình ủng hộ của một số người đang làm việc cho địch, lính gác người dân tộc nên kẻ thù trở tay không kịp. Khi địch phát hiện thì đồng bào đã đi quá xa và trong đêm tối, sợ ta phục kích nên địch không dám đuổi theo.
KTT Bà Râu bị phá là sự mở đầu cho phong trào nổi dậy khởi nghĩa của quân và dân ta. Sau thắng lợi ở Bà Râu chỉ trong một thời gian ngắn, đồng bào đã tiếp tục nổi dậy phá các KTT Cà Rôm, Tầm Ngân, Đồng Dày... thoát khỏi ách kìm kẹp của kẻ thù. Sự kiện này còn tác động đến phong trào của huyện Anh Dũng (nay là huyện Ninh Sơn) và các huyện miền núi phía Tây tỉnh Khánh Hòa. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, cuộc nổi dậy của quân và dân ta phá KTT Bà Râu là cuộc nổi dậy phá ách kìm kẹp đầu tiên ở miền Nam. Sau đó, phong trào nổi dậy nhanh chóng lan rộng khắp cực Nam Trung Bộ, với khởi nghĩa Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi (8-1959) và toàn miền Nam mà mở đầu bằng đồng khởi ở Bến Tre vào đầu năm 1960.
Đến thăm ông Đinh Thành Hiệp ở xã Lợi Hải (Thuận Bắc), là người có mặt trong sự kiện quân và dân ta nổi dậy phá KTT Bà Râu, mở đầu cho phong trào khởi nghĩa giải phóng chiến khu Bác Ái. Năm nay ông đã 92 tuổi nhưng những ký ức về cuộc nổi dậy phá KTT Bà Râu lúc bấy giờ được ông kể tường tận và chi tiết. Ông Hiệp cho biết: Cuộc nổi dậy phá KTT Bà Râu là đốm lửa xóa tan đêm tối, xóa ách kìm kẹp của ngoại xâm và tay sai đối với đồng bào; là sự kiện mở đầu cho cả miền Nam rực lửa bằng phong trào đồng khởi phá ách kìm kẹp của Mỹ - Diệm, đánh dấu sự phá sản của chiến lược chiến tranh một phía của đế quốc Mỹ đối với cách mạng Việt Nam. Quân và dân Bác Ái, Thuận Bắc nói riêng, Ninh Thuận nói chung có quyền tự hào về sự kiện.
Đồng chí Huỳnh Ngọc Ngân, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thuận Bắc, cho biết: Di tích KTT Bà Râu thuộc loại hình di tích Lịch sử cách mạng được UBND tỉnh công nhận ra Quyết định số 83/QĐ-UBND ngày 16-1-2018. Chứng tích còn lại của di tích KTT Bà Râu là một hội trường nằm trong khuôn viên Trường Tiểu học Lợi Hải (Thuận Bắc). Hằng năm, các tổ chức Đoàn thường chọn di tích KTT Bà Râu là nơi tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thống và nghe các đồng chí lão thành cách mạng kể chuyện về sự kiện quân và dân ta nổi dậy phá KTT Bà Râu cho các bạn học sinh, đoàn viên, thanh thiếu niên. Qua đó, giáo dục, bồi đắp lý tưởng cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ tỉnh nhà.
Phan Bình