Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Ngày 22-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông với các bộ, ngành, chủ đầu tư và các địa phương. Tham dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 có tổng chiều dài 652,86 km, được chia thành 11 dự án thành phần. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã cơ bản hoàn thành; khối lượng xây lắp đến nay có giá trị khoảng trên 20.000 tỷ đồng, tương đương 35,4% giá trị hợp đồng.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: A.T

Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn các tồn tại, vướng mắc về công tác GPMB, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn, đã gây khó khăn cho chủ đầu tư, đơn vị thi công; nguồn vật liệu đắp nền đường còn thiếu 4,1 triệu m3; một số nhà thầu chưa nỗ lực huy động nhân lực, thiết bị và tài chính để triển khai thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu... Đối với dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 có tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập. Tiến độ triển khai đang được thực hiện đúng theo yêu cầu đề ra của Chính phủ.

Tại cuộc họp, các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo kế hoạch chi tiết triển khai dự án trong 2 giai đoạn, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và kiến nghị nhiều nội dung để tiếp tục triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Ninh Thuận đến nay có 100% mặt bằng của dự án với hơn 61,5 km đã được địa phương bàn giao cho doanh nghiệp dự án, không còn trường hợp nào bị vướng. Các mỏ vật liệu như đá (700.000m3) và cát xây dựng (20.000 m3) đã đáp ứng đủ cho đơn vị thi công. Riêng vật liệu san lấp nhu cầu của dự án cần 3,86 triệu m3; trong quá trình khảo sát các mỏ vật liệu trước đây, UBND tỉnh đã cấp phép đủ cho nhu cầu thi công dự án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai doanh nghiệp dự án và nhà thầu thi công nhận thấy quá trình vận chuyển nguồn vật liệu từ các mỏ đến công trình gặp rất nhiều khó khăn. Các mỏ gần dự án chỉ có thể đáp ứng được khoảng 1,86 triệu m3, còn thiếu khoảng 2 triệu m3. Hiện UBND tỉnh đã hoàn thiện thủ tục bổ sung 2 khu vực mỏ vật liệu san lấp tại xã Phước Vinh, Phước Hữu với 37 ha vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường để khai thác đáp ứng đủ vật liệu thi công dự án và chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn tất thủ tục; phần việc còn lại thuộc về Ban Quản lý dự án, đơn vị chủ đầu tư. Ninh Thuận cam kết khi đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ sẽ cấp phép khai thác đối với 2 mỏ này đảm bảo đủ vật liệu san lấp.

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, trong đó có tỉnh Ninh Thuận đã tích cực tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam theo đúng tiến độ đã cam kết. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đây là công trình trọng điểm quốc gia, vì vậy các ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện các dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ; tiếp tục đổi mới phương pháp thi công, với phương châm “lấy chất lượng công trình lên hàng đầu”, phấn đấu trong năm nay có 4 dự án thành phần hoàn thành, đưa vào sử dụng. Do đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc về mỏ vật liệu xây dựng; xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng theo đúng quy định. Mặt khác, tăng cường công tác quản lý xây dựng, kịp thời xử lý các các công trình trái phép, lợi dụng chính sách đền bù.