Năm 1858, thực dân Pháp đánh chiếm nước ta. Để biện minh cho tội ác xâm lược, chúng tuyên truyền rằng, Pháp là một nước văn minh, quê hương của tư tưởng “Tự do - bình đẳng - bác ái”, đến Việt Nam là để khai sáng cho dân Việt Nam đang phải sống trong chế độ phong kiến lạc hậu. Mối quan hệ giữa nước Pháp và nước Việt Nam là mối quan hệ như mẹ với con. Nước Pháp là mẫu quốc của Việt Nam.
Tìm hiểu về cuộc cách mạng Pháp năm 1789, Nguyễn Tất Thành rất thích thú về việc lên án chế độ phong kiến, phủ nhận vua, nhưng có thắc mắc lớn là tại sao những kẻ phất cao cờ “Tự do - bình đẳng - bác ái” rêu rao rằng họ đến Việt Nam là để khai sáng cho Việt Nam mà đi đến đâu cũng chỉ thấy họ gây ra tội ác và nói điều giả dối. Ngay trước cửa nhà tù - nơi giam giữ tra khảo những người Việt Nam yêu nước, cũng trương lên bảng hiệu bằng tiếng Pháp về “Tự do - bình đẳng - bác ái”.
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 đảng xã hội Pháp.
Ảnh: Internet
Làm thế nào để ở Việt Nam ta có độc lập, tự do, bình đẳng, bác ái thật sự? Bức xúc trước câu hỏi đó, Nguyễn Tất Thành thấy cần phải đi qua Pháp, “đi để xem tận nơi cho rõ, sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, sẽ trở về giúp đồng bào”. Ngày 5-6-1911, tàu Amiral Latouche Tréville, rời cảng Sài Gòn và ngày 15-7 đến Le Havre, cảng chính ở miền Bắc nước Pháp.
Nguyễn Tất Thành vượt trùng dương tìm đường cứu nước vào lúc tuổi đời còn rất trẻ, qua nước Pháp xa lạ nhưng chỉ đi một mình, đến nơi cũng không có ai tiếp đón.
Tháng 7-1920, nhờ đọc được tác phẩm của Lênin: “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” mà Người hiểu được rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Con đường cách mạng vô sản được Người tìm ra, đúng vào lúc ở Việt Nam đã có giai cấp công nhân công nghiệp do chính thực dân Pháp tạo ra. Đó cũng là cơ sở giai cấp cho việc xây dựng nên Đảng Cộng sản Việt Nam sau này để lãnh đạo dân ta đấu tranh giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Cuối năm 1920, Nguyễn Ái Quốc là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và hoạt động ở Pháp đến tháng 6-1923 mới rời Paris qua học và hoạt động ở Liên Xô.
Ngày 11-11-1924, Người rời Liên Xô, đến Quảng Châu (Trung Quốc). Đầu năm 1925, Người mở lớp huấn luyện chính trị cho những thanh niên bên nước cử qua. Tháng 6-1925, Người sáng lập “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội”. Cuối năm 1925, tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Người được xuất bản ở Paris.
Đầu tháng 5-1927, Người đi Hương Cảng, rồi đi Thượng Hải, sau đó đáp tàu từ Thượng Hải đi Vladivostok (Liên Xô).
Ngày 25-4-1928, Người từ Liên Xô đến Đức, qua Thụy Sĩ sang Italia, rồi đáp tàu Nhật Bản đến Xiêm vào tháng 7-1928, sống và hoạt động ở Sacon nơi có đông Việt kiều.
Ngày 23-12-1929, Người từ Xiêm đến Trung Quốc. Đầu năm 1930, ở Cửu Long (Hồng Công), Người chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam với chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt do Người khởi thảo, tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc, mở rộng đại đoàn kết dân tộc. Việc làm này rất đúng nhưng bị Quốc tế Cộng sản phê phán là bỏ lập trường giai cấp, hữu khuynh về chính trị.
Đến tháng 10-1938, Người mới móc nối với Đảng Cộng sản Trung Quốc để hoạt động cho đến cuối tháng 1-1941 thì về nước ở Cao Bằng sau 30 năm kể từ ngày ra đi.
Giành được thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch nêu 3 mục tiêu: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, tức là nước độc lập do dân làm chủ để đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Bác nêu trong di chúc là “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Đó là lý luận về cách mạng vô sản được vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam, không phải theo thuyết “Tam dân” (Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc) là lý luận về cách mạng tư sản của Tôn Trung Sơn ở Trung Quốc.
Tìm ra con đường cứu nước và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, Bác Hồ đã phải trải qua nhiều năm sống bằng lao động cực nhọc, hai lần bị bắt bị tù, không có niềm vui trong đời riêng, lại bị phê phán oan, nghi oan. Nhưng kết quả đạt được vô cùng to lớn. Từ con đường Bác Hồ tìm ra và được thực hiện, đã làm cho nước ta, dân ta đổi đời, dân tộc ta trở thành một trong những dân tộc tiên phong mở ra trang sử thời hiện đại, chẳng những cho nước ta mà cho cả thế giới.
Với bộ óc thông minh đặc biệt, với ý thức luôn tu dưỡng về đạo đức nhân cách, luôn cầu tiến, lại biết độc lập suy nghĩ, có phương pháp khoa học trong học tập, nghiên cứu và khảo sát, lại sống ở nhiều nước, tiếp cận với nhiều nền văn hóa, biết rất nhiều ngoại ngữ, có vốn tri thức uyên bác về nhiều mặt, vừa rất yêu nước vừa có tinh thần quốc tế trong sáng, Bác Hồ đã trở thành vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và của dân tộc ta. Người được Tổ chức UNESCO tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hóa lớn.
Mở ra trang sử thời hiện đại, được thế giới tôn vinh, chúng ta không thể không nhớ đến ngày 5-6-1911. Đó là ngày, từ cảng Sài Gòn, Người đã ra đi tìm đường cứu nước và đã tìm được con đường đúng. Ngày 5-6-1911 đúng là một ngày có ý nghĩa lịch sử đặc biệt.
Theo SGGP Online