Miếu Thanh Minh thuộc địa bàn thôn Mỹ Tường, xã Nhơn Hải (Ninh Hải). Ông Nguyễn Phương Sinh, ở địa phương cho biết: Miếu Thanh Minh được xây dựng vào khoảng năm 1908, tính đến nay đã được 109 năm và được tu sửa nhiều lần. Trong đó lần gần nhất là năm 2007 để miếu có diện mạo khang trang như hiện nay. Đưa chúng tôi đi tham quan và tìm hiểu về giá trị lịch sử, nghệ thuật văn hóa của miếu Thanh Minh, ông Sinh cho biết thêm: Cùng với thời gian, một số bộ phận trong tổng thể kiến trúc miếu Thanh Minh bị xuống cấp trầm trọng đã được sửa chữa như nhà Tiền hiền, tòa Chánh tẩm, nhưng vẫn duy trì nguyên gốc.
Ông Lê Văn Long, Trưởng Ban quản lý miếu Thanh Minh, chăm sóc bảo quản miếu.
Miếu có kiến trúc tương đối đồ sộ, xây dựng trên một khu đất có diện tích hơn 1.000 m2, cửa miếu hướng về phía Nam, bốn hướng của miếu đều có đường giao thông thuận tiện và nằm giữa khu dân cư. Từ ngoài vào, cổng Tam quan gồm 4 trụ vuông, 2 trụ giữa đều có 2 câu đối bằng chữ Hán ở cả mặt trước và mặt sau. Trên nóc cổng tam quan có đắp “Long phụng chầu nguyệt”, hai bên có cặp rồng chầu, phía dưới có hai chữ “Thanh Minh”.
Từ cổng Tam quan vào cách 3,2 m là đến án phong, chính giữa phía mặt trước có phù điêu hổ đắp nổi và hai câu đối bằng chữ Hán ở hai bên, chung quanh trang trí hoa văn. Mặt sau có phù điêu Lân chở cuốn thư bay trên mây có hoa văn nhưng đã mờ, có hai câu đối bằng chữ Hán, bốn đầu trụ đắp bốn hoa sen. Tiếp đến là nhà Tiền hiền, đây chính là nơi thờ phụng các bậc tiền bối đã có nhiều công sức đóng góp, xây dựng và tôn tạo để giữ nét văn hóa truyền thống của địa phương. Bên cạnh nhà Tiền hiền là nhà Tiên sư, nơi thờ phụng vị thầy đầu tiên thành lập miếu và dạy nghề cho Nhân dân trong vùng. Nếu như ngoại thất của ngôi miếu cần sự trang điểm của thợ nề, thì nội thất lại là cần đến bàn tay tài hoa khéo léo của những người thợ mộc, những nghệ nhân chặm khắc thể hiện trên chất liệu bằng gỗ tạo nên những ý tưởng thẩm mỹ, những mô típ trang trí bằng kỹ thuật cưa, đục, chạm, khảm…
Ông Lê Văn Long, Trưởng Ban quản lý miếu Thanh Minh, cho biết: Tháng 5-2018, miếu Thanh Minh được UBND tỉnh công nhận, xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Hiện miếu đang lưu giữ các hiện vật như: Bức hoành phi bằng gỗ, tam sơn bằng gỗ, bình phong bằng gỗ, chân đèn bằng gỗ, lư hương bằng đồng, trống, cờ, chinh bằng gỗ, lọng, bàn tủ bằng gỗ có chạm trổ ba mặt, khám thờ đạo lộ bằng gỗ. Trong miếu hiện không có bia ký ghi chép về thần phả được thờ cúng của miếu và các sắc phong đều bị thất lạc nên việc xác định lịch sử các vị thần được thờ tại đây chưa thật cụ thể. Tuy vậy, ngày nay Nhân dân trong vùng đều biết rõ miếu Thanh Minh thờ thần bảo hộ cho cộng đồng là Thần Hoàng Bổn Cảnh, thờ vị tiên sư đứng ra lập miếu và thờ các vị thần bảo vệ, phù hộ độ trì cho cuộc sống người dân trong vùng an khang, thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, nông ngư thịnh đạt.
Hằng năm tại miếu Thanh Minh có lễ tế chính là lễ Thanh Minh, tổ chức vào ngày thanh minh hằng năm, với ý nghĩa là đền đáp công ơn các vị tiền bối, các chiến sĩ trận vong, những vong hồn không nơi phụng cúng và cầu mưa thuận, gió hòa, nông ngư thành đạt. Lễ bắt đầu từ 16 giờ ngày hôm trước đến 11 giờ ngày hôm sau, lễ vật chính gồm hai con heo sống và các loại hoa quả. Các thành viên trong Ban Quản lý miếu cùng các cụ và bà con trong vùng bầu ra ban tổ chức trước ngày lễ tế khoảng 1 tháng để sắp xếp công việc trong ngày lễ.
Ngoài việc có kiến trúc đẹp, độc đáo, miếu còn là một chứng tích lịch sử, là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, miếu Thanh Minh từng là nơi đặt hộp thư để liên lạc và hội họp bí mật của các chiến sĩ cách mạng. Vào ngày 14-1-1948, có một cuộc họp bí mật của cách mạng được tổ chức tại miếu, khi đó ông Nguyễn Phú Hữu, là chiến sĩ cách mạng ở xã Nhơn Hải dự họp, ngay khi ông ra ngoài đã bị quân Pháp phục kích bắn chết. Cho đến những năm 1955-1957, khi đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền Nam - Bắc, lúc bấy giờ vì thiếu trường, lớp học, địa phương tạm thời dùng miếu Thanh Minh làm trường lớp dạy học cho con em trong làng. Sau này, khi đất nước thống nhất, từ năm 1976-1979, miếu được dùng để mở lớp bình dân xóa mù chữ, đồng thời cũng là nơi hội họp. Từ những giá trị về lịch sử cách mạng, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, việc bảo vệ miếu Thanh Minh có ý nghĩa thiết thực trong đời sống hiện nay.
Với lịch sử hơn 100 năm tồn tại và phát triển, các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật được kết tinh trong miếu Thanh Minh chính là những di sản vật thể và phi vât thể quan trọng, là tiềm năng trong khai thác, có thể phát huy giá trị phục vụ du lịch, nghiên cứu khoa học và giáo dục văn hóa truyền thống, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.
Hồng Nguyệt