Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các địa phương khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, thu mua hải sản, sản xuất nước đá, cung ứng nước ngọt, nhiên liệu, sửa chữa tàu thuyền, các cơ sở mua bán ngư lưới cụ, thiết bị hàng hải... Từ đó, hình thành được hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá. Các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, cơ sở hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư, như: Nâng cấp, mở rộng Cảng cá Cà Ná, bến cá Mỹ Tân, các khu neo đậu tránh trú bão cửa Sông Cái, Ninh Chữ,… tạo thuận lợi cho các tàu cá cập cảng bốc dỡ hàng hóa và tránh trú bão an toàn.
Nhìn chung, tận dụng các lợi thế sẵn có, các địa phương đã từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống dịch vụ, kết nối hệ thống hậu cần nghề cá, vừa cung cấp vật tư, nhiên liệu vừa làm nơi thu mua, trung chuyển sản phẩm, đáp ứng nhu cầu vươn khơi bám biển dài ngày của ngư dân, góp phần nâng cao hiệu quả của mỗi chuyến biển. Bên cạnh đó, nhờ hạ tầng nghề cá được đầu tư đồng bộ nên việc vận chuyển, thu mua các loại hải sản và vận chuyển đến các chợ tiêu thụ cũng trở nên dễ dàng, nhanh chóng.
Tàu thuyền neo đậu tại khu vực Đầm Nại (Ninh Hải). Ảnh: Phan Bình
Cùng với đó, chính quyền địa phương, Ban Quản lý các cảng cá cũng đẩy mạnh tuyên truyền vận động ngư dân thành lập tổ, đội vươn khơi, bám biển, đồng thời tìm kiếm ngư trường khai thác mới. Các đội tàu thu mua hải sản trên biển cũng được thành lập nhằm kịp thời bảo quản sản phẩm tốt hơn, giảm chi phí cho mỗi chuyến biển gia tăng hiệu quả kinh tế. Ngư dân Nguyễn Văn Tiến, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) cho biết: Nhờ có tàu thu mua hải sản chuyển về đất liền bán được giá, nên tàu của tôi bám biển dài ngày, khai thác được nhiều hải sản hơn.
Theo Sở NN&PTNT, dịch vụ hậu cần nghề cá gần đây có bước phát triển, tuy nhiên vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như mục tiêu lâu dài của ngành Thủy sản. Cụ thể, việc đầu tư các cảng cá vẫn chưa đồng bộ nên khả năng cung cấp các dịch vụ hậu cần cho số lượng tàu cá hiện có trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều chợ cá, bến cá nhỏ chưa được quy hoạch chi tiết nên ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Các cảng cá nằm ở vị trí cửa sông đổ ra biển dễ gặp tình trạng bồi lấp cửa biển, gây khó khăn cho tàu cá có công suất lớn vào, ra. Do vậy, để dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển bền vững, cần có chiến lược đầu tư dài hơi. Đặc biệt, cần thu hút nguồn lực đủ mạnh để đầu tư đồng bộ các công trình cảng cá, khu neo đậu tránh bão cho các tàu cá và các khu dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Trong thời gian tới, chủ trương của UBND tỉnh là tiếp tục thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá. Củng cố, phát triển các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, sản xuất ngư cụ, trang thiết bị khai thác hải sản. Hoàn thiện các dự án nâng cấp cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền nhằm đảm bảo đồng bộ và từng bước hiện đại hóa, đáp ứng sự phát triển chung của ngành Thủy sản. Tiếp tục tổ chức rà soát, sắp xếp lại các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là khâu thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác kinh doanh tiêu thụ hải sản và hậu cần tại cảng cá. Chú trọng phát triển các đội tàu dịch vụ trên biển, khuyến khích các thành phần tham gia hoạt động thu mua, vận chuyển sản phẩm khai thác vào bờ và cung cấp nhiên liệu, lương thực, nước đá, các nhu yếu phẩm khác để tăng thời gian khai thác trên biển, giảm thời gian đi về cho các tàu khai thác xa bờ, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Anh Thi