Ngay từ khi tái lập tỉnh vào năm 1992, một trong những chủ trương lớn đầu tiên của tỉnh là xây dựng nghị quyết về việc thực hiện Chương trình xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm. Đây có thể coi là một trong những điểm nhấn quan trọng trong thành tựu bảo đảm ASXH của tỉnh những năm qua. Nhờ đó, tỉnh luôn thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, nhất là công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo đã có những chuyển biến lớn. Xác định đầu tư các nguồn lực cho việc giải quyết các vấn đề xã hội và ASXH là đầu tư cho phát triển, là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững, công tác này ngày càng được tỉnh chú trọng, đi vào chiều sâu. Chính sách ASXH được triển khai đồng bộ trên cả 3 mặt: Giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng như: Y tế, giáo dục, dạy nghề; hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, giải quyết việc làm; phát triển hạ tầng cơ sở cho các địa phương.
Điện lực Ninh Thuận tặng nhà “mái ấm tình thương” cho người nghèo.
Coi giải quyết việc làm là cơ sở để giảm nghèo bền vững, năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. Từ đó đến nay đã có thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động được ban hành phù hợp với tình hình thực tế. Bằng nhiều giải pháp lồng ghép về kinh tế - xã hội với nhiều nguồn vốn khác nhau, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 1992, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 4.000 lao động. Đến năm 2021, con số này đã tăng lên 11.237 lao động được giải quyết việc làm, gấp 2,8 lần so với năm 1992. Tổng số lao động được giải quyết việc làm mới trong 3 thập kỷ qua là 345.879 người, trong đó, đã đưa 1.433 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Trung bình mỗi năm, tỉnh giải quyết việc làm mới cho gần 12.000 lượt lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, bảo đảm ASXH.
Cùng với đó, nhiều dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, công nghiệp, du lịch, văn hóa, nông nghiệp, nông thôn mới được xây dựng và hoàn thành; hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn tiếp tục được đầu tư, cải tạo. Đặc biệt, công tác ASXH luôn hướng về những người dân có thu nhập thấp, giúp họ ổn định cuộc sống, xóa bỏ khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Hàng loạt các dự án dành cho người dân có thu nhập thấp được hình thành như: Nhà ở xã hội Phú Thịnh, Hacom Galacity, D7-D10... Bên cạnh đó, để nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, tỉnh đã đầu tư nhiều công trình vui chơi giải trí, thể dục thể thao như: Quảng trường, các khu công viên, bảo tàng… góp phần xây dựng hình ảnh đô thị khang trang, hiện đại.
Công tác giáo dục và đào tạo; bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, được coi là một trong 3 mặt của chính sách ASXH. Đến nay, mạng lưới trường học được bao phủ rộng khắp. Những ngôi trường xây mới khang trang, đầy đủ trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập đã bảo đảm những chuẩn mực và điều kiện giáo dục toàn diện; số trường đạt chuẩn quốc gia tăng cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%. Mạng lưới y tế cơ sở không ngừng được củng cố và hoàn thiện. Toàn tỉnh hiện có 1.780 giường bệnh, đạt tỷ lệ 29,9 giường/vạn dân, tăng gấp 1,8 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến cuối năm 2021 đạt 91%.
Từ năm 1992 đến nay, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, tỉnh đã tranh thủ huy động các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, kết hợp nguồn lực địa phương đầu tư kinh phí giúp hộ nghèo vay vốn sản xuất tạo việc làm; giảm viện phí cho người nghèo; miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Qua 30 năm, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm một cách đáng kể: từ 28,13% (năm 1992) giảm còn 4,56% (năm 2021); 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; tỷ lệ dân cư nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%; 100% xã có điện lưới quốc gia. Song song với đó, chính sách đối với người có công được đặc biệt quan tâm, huy động được sự tham gia của toàn thể cộng đồng xã hội, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” với hàng loạt các chính sách và giải pháp cụ thể, thiết thực. Đến nay, tỷ lệ hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của người dân nơi cư trú chiếm 98,5%; 100% số bà mẹ Việt Nam anh hùng được phụng dưỡng. Tỉnh đã xây dựng, sửa chữa 3.039 nhà ở cho người có công với tổng kinh phí trên 36,8 tỷ đồng.
Đặc biệt, hơn 2 năm trở lại đây, đại dịch COVID - 19 khiến cho kinh tế, đời sống của những người nghèo vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Để cùng Đảng, Nhà nước chung tay phòng, chống dịch, tỉnh đã tổ chức 2 đợt phát động, kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19”. Qua phát động, hơn 400 tổ chức, cá nhân đã tham gia ủng hộ tiền và thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID -19 với tổng trị giá trên 80 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí vận động, tỉnh có thêm điều kiện để hỗ trợ mua trang thiết bị vật tư y tế, thăm hỏi động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và con em Ninh Thuận đang học tập và sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Sau 30 năm tái lập tỉnh, Ninh Thuận có một bước tiến dài trên con đường phát triển. Bên cạnh phát triển về kinh tế, công tác ASXH cũng có những dấu mốc đáng tự hào. Kế thừa và phát huy thành tựu đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư; y tế, giáo dục; đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn mới nâng cao; phát triển đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài... Với mục tiêu nhất quán, xuyên suốt là cải thiện, nâng cao đời sống Nhân dân, tăng phúc lợi xã hội, ASXH và không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau.
Minh Thương