Nhạc sĩ Phan Quốc Anh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Khai thác giá trị văn hóa cho sự phát triển bền vững
30 năm qua, kể từ ngày tái lập tỉnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch không ngừng trưởng thành, đổi mới và phát triển mạnh mẽ. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch ngày càng đi vào chiều sâu và nâng cao chất lượng, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của Nhân dân.
Bước sang giai đoạn mới với nhiều thời cơ song cũng nhiều thách thức, tiếp nối thành tựu, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhà cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Trọng tâm là xây dựng văn hóa, con người Ninh Thuận thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ, hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ, thực sự là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng tỉnh nhà phát triển toàn diện, bền vững trên mọi bình diện của đời sống xã hội. Về du lịch, để thực hiện thành công “sứ mệnh” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tôi thiết nghĩ cần có sự linh hoạt nhưng nhất quán trong chính sách của Nhà nước, cơ quan quản lý; sự quyết liệt của địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư; đặc biệt là những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy, nhận thức để định vị rõ thương hiệu và bản sắc văn hóa, con người Ninh Thuận, từ đó, thực hiện các nhóm giải pháp khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế tài nguyên văn hóa, bảo tồn và phát triển môi trường du lịch bền vững. Về mặt chính sách, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, lao động ngành Du lịch vượt qua khó khăn hiện nay; chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách mới, ưu tiên theo hướng tạo thuận lợi cho khách quốc tế đến Ninh Thuận; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, trải nghiệm cộng đồng hướng tới phát triển bền vững. Song song đó, phải đẩy nhanh việc thích ứng với chuyển đổi số để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng mới, thử sức với các sản phẩm, dịch vụ mới áp dụng công nghệ; đồng thời giải các bài toán đau đầu về nhân lực bên cạnh việc tính toán chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đem đến cho du khách những trải nghiệm số hấp dẫn…
* Bà Phạm Thị Ngọc Nhân, khu phố 12, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước): Tiếp tục quan tâm phát triển nông nghiệp bền vững
30 năm, từ khi tái lập tỉnh, vùng quê hôm nay đã có nhiều đổi mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nhất là đường giao thông, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế… từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển và nhu cầu của Nhân dân, làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn. Cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện về vật chất và tinh thần, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khi được tiếp cận nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để đầu tư phát triển; tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; áp dụng nhiều loại giống mới cho năng suất cao vào gieo trồng, cùng với đó là việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao giá trị, giảm giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.
Tôi mong muốn trong chặng đường phát triển tới, lãnh đạo các cấp cần có những giải pháp mang tính căn cơ để giúp nông dân giải quyết khó khăn ở khâu liên kết, tiêu thụ sản phẩm để nhà nông yên tâm sản xuất, gắn bó với ruộng đồng, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững để nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân vùng nông thôn.
T.Xuân-T.Mạnh