Ninh Thuận - 30 năm một chặng đường đổi mới và phát triển

Quy hoạch tạo cơ sở cho đầu tư, thu hút các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, công tác quy hoạch (QH) luôn được tỉnh coi trọng, xác định phải đi trước một bước và có tầm nhìn chiến lược dài hạn, là cơ sở để triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Ngay từ năm 1998, tỉnh đã xây dựng, phê duyệt QH tổng thể phát triển KT-XH tỉnh thời kỳ 2001-2010. Đến năm 2011, với khát vọng tạo đột phá trong chiến lược, QH để đón nhận những yếu tố mới, giá trị mới, cơ hội mới của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mang lại, tỉnh đã mạnh dạn kiến nghị và trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê tư vấn nước ngoài là Tập đoàn Monitor của Mỹ và Arup của Anh lập QH tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22-7-2011, trong đó xác định tầm nhìn chiến lược trong phát triển KT-XH của tỉnh là: “Ninh Thuận là điểm đến của Việt Nam trong tương lai”, dựa trên 4 giải pháp đột phá là nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng, phát triển thương hiệu và tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh.

Trong quá trình thực hiện QH, sau khi Quốc hội tạm dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22-11-2016, tỉnh đã điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, trong đó tập trung phát triển điện gió, điện mặt trời và dự án động lực thay thế nhà máy điện hạt nhân phù hợp với định hướng QH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Định hướng phát triển chính dựa trên 6 nhóm ngành trụ cột, gồm 4 nhóm ngành cơ bản (năng lượng tái tạo; du lịch; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp) và 2 nhóm ngành phụ trợ (xây dựng và kinh doanh bất động sản; giáo dục và đào tạo). Đồng thời, để thực hiện QH trên, tỉnh đã chỉ đạo hoàn thành, phê duyệt 38 QH tổng thể phát triển KT-XH các huyện, thành phố và QH phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu; ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, đề án, kế hoạch để triển khai thực hiện.

Công trình SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang tại phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đang thi công. Ảnh: V.M

Qua 10 năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định các định hướng, chiến lược phát triển các nhóm ngành trụ cột là đúng đắn, phù hợp với xu thế, sát với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, biến những khó khăn, thách thức trở thành động lực phát triển. Thông qua công tác QH đã phát hiện và đánh giá đúng mức tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là tiềm năng, lợi thế mới về kinh tế biển, năng lượng tái tạo; định hướng phát triển kinh tế xanh - sạch, thân thiện với môi trường trong giai đoạn hội nhập, huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển KT-XH của tỉnh. Kinh tế phát triển ổn định, đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả bước đầu, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, một số lĩnh vực tăng trưởng nhanh, vị thế của tỉnh được nâng lên; các khâu đột phá về năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch từng bước phát huy hiệu quả. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện, quốc phòng, an ninh được củng cố. Hiện nay, thực hiện Luật QH và các văn bản hướng dẫn có liên quan, tỉnh đang rà soát các QH đã được phê duyệt còn hiệu lực, các QH đang tiến hành lập mà chưa được phê duyệt; đồng thời, triển khai lập QH tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với lập QH tổng thể phát triển KT-XH, QH xây dựng cũng được chú trọng, QH chung xây dựng các thị trấn huyện lỵ đều đạt tỷ lệ phủ kín QH 100%. Công tác triển khai QH phân khu tại các vùng giáp ranh Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và dải ven biển được thực hiện trên cơ sở định hướng của QH tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm có 13 đồ án, tỷ lệ phủ kín QH phân khu 98,56 %; thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) có 1 đồ án QH phân khu, tỷ lệ phủ kín 38,46%; huyện Bác Ái có 1 đồ án QH phân khu, tỷ lệ phủ kín 60,43%; huyện Thuận Nam có 2 đồ án QH phân khu, tỷ lệ phủ kín 44,22%. Ngoài ra, công tác triển khai QH phân khu một số khu vực nhằm cụ thể hóa QH chung cũng được triển khai thực hiện kịp thời. Đơn cử, đã điều chỉnh QH phân khu xây dựng Khu dân cư Bắc Trần Phú, phân khu xây dựng Khu dân cư Đông Nam, phân khu Khu đô thị Đông Văn Sơn - Bắc Bình Sơn, (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm)

Công tác QH xây dựng nông thôn triển khai thực hiện một cách đồng bộ, kết quả công tác QH của các xã trong thời gian qua khá chất lượng, tính khả thi cao. Đến nay, toàn tỉnh có 47/47 xã đã phê duyệt QH xây dựng nông thôn mới, đạt 100%; có 40/47 xã được phê duyệt QH chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trung tâm xã và QH chi tiết các điểm dân cư nông thôn, đạt 85,11%. Hiện nay, tỉnh chỉ đạo tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai QH chi tiết xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, hệ thống QH, kế hoạch sử dụng đất cho từng giai đoạn và hằng năm cũng được các cấp quan tâm. Tỉnh đã lập, tổ chức thực hiện QH sử dụng đất các giai đoạn 1995-2010, giai đoạn 2011-2020 và đang thực hiện giai đoạn 2021-2025; đồng thời, hằng năm có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, làm cơ sở cho việc thu hồi, giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Thực tế cho thấy, các QH trên đã góp phần quan trọng và là cơ sở để kế hoạch hóa đầu tư, thu hút các nguồn lực phát triển KT-XH trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.