Sau khi sinh con được 6 tháng, chị Trần Thị Thủy ở phường Văn Hải (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) không đi làm trở lại mà xin nghỉ hẳn ở nhà để tiện chăm sóc con nhỏ. Vì muốn có thu nhập nên chị lên mạng tìm việc làm thêm tại nhà. “Lướt Facebook tôi thấy thông tin tuyển dụng công việc đánh giá sản phẩm tại nhà. Công việc đơn giản, không phải đi lại, rảnh thì làm, bận được nghỉ. Mỗi ngày tôi chỉ cần ít nhất 2 giờ trực tuyến và có điện thoại kết nối internet để đăng các bài đánh giá sản phẩm theo mẫu soạn sẵn lên các trang mạng xã hội. Người giao việc nêu rõ mức thù lao từ 5.000-20.000 đồng/bài và thanh toán vào tài khoản ngân hàng vào cuối tháng”, chị Thủy kể.
Khi chị Thủy nhắn tin đăng ký, người tuyển dụng yêu cầu chị cung cấp địa chỉ, số căn cước công dân, số điện thoại và tài khoản ngân hàng để chuyển tiền công. Họ còn yêu cầu chị đặt cọc 499.000 đồng phí đào tạo. Nếu làm được, sau 1 tháng sẽ trả lại số tiền này. Tuy nhiên, sau nửa tháng miệt mài đánh giá, chị chỉ kiếm được khoảng 50.000 đồng do các đánh giá không được duyệt. Chị Thủy kể thêm: Họ chỉ duyệt một vài đánh giá, còn lại thì từ chối hết với câu trả lời chung chung. Thấy vậy tôi nhắn tin xin không làm nữa, đồng thời đề nghị họ hoàn tiền đặt cọc nhưng bên giao việc không trả lời và mất hút. Tôi còn lo họ lợi dụng thông tin cá nhân của tôi để làm việc khác.
Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tìm việc làm.
Một câu chuyện khác về nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo việc làm trên mạng, chị Phương ở xã Cà Ná (Thuận Nam) vừa mất 400.000 đồng. Cuối năm 2021, thấy có tuyển dụng công việc xâu hạt chuỗi tại nhà kèm theo các thông tin hình ảnh cá nhân trên Facebook cũng như có rất nhiều bình luận dưới bài viết. Tìm hiểu kỹ hơn, thì thấy tiền công xâu chuỗi 1 ký hạt được khoảng 200.000 đồng. Đang nhàn rỗi, chị đăng ký nhận việc. Người tuyển dụng yêu cầu chị đặt cọc 400.000 đồng cho 4 ký hạt, khi nào xâu chuỗi xong, giao thành phẩm sẽ được hoàn tiền cọc cùng với thù lao. Tuy nhiên, ngay sau khi chị Phương chuyển khoản tiền đặt cọc, tài khoản Facebook, Zalo và số điện thoại của bên tuyển dụng đều... không liên lạc được.
Những trường hợp bị nhà tuyển dụng “bùng” tiền đặt cọc như chị Thủy, chị Phương đã không còn hiếm trong vài năm trở lại đây. Những người tìm việc trực tuyến chủ yếu là phụ nữ nuôi con nhỏ, nội trợ, nhân viên văn phòng, sinh viên. Những nhà tuyển dụng trực tuyến “dởm” thường không công khai địa chỉ văn phòng hay số điện thoại. Họ đăng các thông tin tuyển dụng trên các diễn đàn rao vặt, các trang tìm kiếm việc làm trên Facebook. Khi nắm được thông tin của những người có nhu cầu tìm việc, họ thường yêu cầu nhắn tin riêng để trao đổi hoặc gửi một đường link để người tìm việc tự điền thông tin theo yêu cầu. Một số nơi yêu cầu người tham gia phải đặt cọc tiền để làm tin trước khi họ giao việc cho làm, sau đó việc không giao mà tiền cũng không trả.
Theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, tìm việc trực tuyến đang là xu hướng đem lại nhiều lợi ích cho cả người lao động (NLĐ) và đơn vị tuyển dụng trong bối cảnh dịch COVID-19. Thế nhưng, không ít đối tượng lợi dụng xu hướng này giở chiêu trò lừa đảo. Do đó, NLĐ cần cảnh giác khi đăng ký làm việc tại những nơi không có địa chỉ rõ ràng. Khi tìm việc qua hình thức trực tuyến, NLĐ cần tìm kiếm kỹ thông tin về đơn vị tuyển dụng; trao đổi trực tiếp, cụ thể với đơn vị tuyển dụng về tính chất công việc, yêu cầu, chế độ lương thưởng, có hợp đồng làm việc rõ ràng. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân khi đăng ký tham gia làm việc trực tuyến tại nhà bởi đây là kẽ hở để tội phạm công nghệ cao lợi dụng chiếm đoạt tài sản. Hiện nay, Trung tâm thường xuyên tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ tại trụ sở cũng như tổ chức các phiên giới thiệu việc làm trực tuyến hoặc lưu động. NLĐ có thể liên hệ Trung tâm để được tư vấn tìm việc phù hợp hoặc đến tận nơi để tìm hiểu thêm thông tin của các nhà tuyển dụng.
Minh Thương