Ninh Thuận - 30 năm một chặng đường đổi mới và phát triển

Những thành tựu qua 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển

(Tiếp theo kỳ trước)

5. Giai đoạn 2011 - 2015: Đảng bộ và Nhân dân Ninh Thuận đoàn kết, nỗ lực thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra, đó là: “Phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, huy động hiệu quả các nguồn lực để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Tập trung nâng cao dân trí, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân”.

Nền kinh tế tiếp tục ổn định và phát triển khá, một số ngành, lĩnh vực phát triển nhanh và tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước. Tổng sản phẩm nội tỉnh tăng bình quân 11,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2,45 lần so năm 2010. Thu ngân sách đạt 1.800 tỷ đồng, tăng gấp 2,03 lần. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 33.155 tỷ đồng, bằng 1,95 lần so giai đoạn trước. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 41,9% xuống còn 36,3% so với năm 2010. Huy động nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và hạ tầng đô thị, triển khai xây dựng thành phố Phan Rang-Tháp chàm đạt tiêu chí đô thị loại II. Kinh tế biển, hợp tác phát triển với các tỉnh, khu vực không ngừng mở rộng, công tác quảng bá tiềm năng, lợi thế Ninh Thuận có chuyển biến tích cực. Công tác quản lý tài nguyên môi trường, kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, môi trường đầu tư tiếp tục cải thiện.

Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú (Ninh Sơn) đầu tư thiết bị hiện đại để vận hành sản xuất. Ảnh: V.M

Công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm chỉ đạo, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các chính sách xã hội và an sinh xã hội được chăm lo ngày càng tốt hơn; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện. Mạng lưới y tế được củng cố, chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân và phòng chống dịch bệnh tốt hơn.

Nhiệm vụ quốc phòng - an ninh được quán triệt, triển khai toàn diện và đạt hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực.

6. Giai đoạn 2016 - 2020: Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã bám sát các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mạnh dạn tìm tòi đổi mới, quyết liệt, sáng tạo; đồng thời tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, đó là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy truyền thống đoàn kết; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, kinh tế biển là động lực, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, sớm thu hẹp khoảng cách thu nhập so với bình quân cả nước; bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; chủ động chuyển hướng chiến lược phát triển, tạo được sự chuyển biến khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Thực hiện có kết quả các đột phá chiến lược và nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Hoàn thành 25/27 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Một số chỉ tiêu đạt cao như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 10,2%/năm; GRDP bình quân đạt 60,1 triệu đồng/người, tăng 2,17 lần so với năm 2015; thu ngân sách đạt 3.500 tỷ đồng, tăng bình quân 12,8%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn đạt 78.015 tỷ đồng, tăng 2,35 lần so với giai đoạn trước; kết nạp 4.675 đảng viên mới, đạt 136,3% chỉ tiêu.

Công nhân Công ty TNHH Thông Thuận vào ca sản xuất. Ảnh: VM

Kinh tế phát triển nhanh, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng; tiềm năng, lợi thế bước đầu được khai thác, gắn với đảm bảo môi trường. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn phát triển kinh tế nông thôn được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đạt kết quả. Tiềm năng, lợi thế của tỉnh được nhận diện đầy đủ và khai thác hiệu quả hơn; các khâu đột phá về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch từng bước phát huy hiệu quả. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo được tích cực thực hiện, nhiều dự án hòa lưới điện quốc gia. Đầu tư phát triển tăng trưởng khá, cơ cấu nguồn vốn đầu tư chuyển dịch tích cực, hiệu quả quản lý và sử dụng được nâng cao.

Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của Nhân dân được cải thiện. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện. Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được quan tâm đầu tư và phát triển ổn định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường, quan hệ đối ngoại được mở rộng. Công tác cải cách tư pháp tiếp tục được quan tâm. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được tập trung triển khai, bước đầu đạt kết quả quan trọng.

Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước được nâng lên, kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Vai trò của Mặt trận, đoàn thể và các hội quần chúng được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai quyết liệt và đạt kết quả khá toàn diện.