Hoạt động các sở, ngành, địa phương

* Qua 30 năm tái lập tỉnh, lĩnh vực sản xuất thủy sản phát triển khá toàn diện, giá trị sản xuất tăng bình quân 10,9%/năm, đạt 7.036 tỷ đồng. So với năm 1992, tổng diện tích nuôi trồng tăng từ 422 ha lên 927 ha; sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng từ 633 tấn lên 9.746 tấn, tăng 15,3 lần. Nghề khai thác hải sản chuyển dịch theo hướng phát triển đánh bắt xa bờ, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, với 2.235 tàu tham gia khai thác vùng “biển xa”, tăng 1.213 chiếc so với năm 1992. Đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có 2.235 chiếc từ 6m trở lên; trong đó tàu từ 6m đến dưới 12m có 909 chiếc; tàu từ 12m đến dưới 15m có 540 chiếc; tàu từ 15m đến dưới 20m có 721 chiếc; tàu từ 20m đến dưới 24m có 44 chiếc; tàu từ 24m đến dưới 30m có 21 chiếc. Sản lượng khai thác đạt trên 124 ngàn tấn/năm, tăng 9,8 lần so với năm 1992, tăng trưởng bình quân 8,5%/ năm.

Ngư dân Cà Ná (Thuận Nam) đầu tư tàu thuyền công suất lớn để khai thác hải sản xa bờ. Ảnh: Văn Nỷ

* Tại thời điểm năm 1992, toàn tỉnh chỉ có 8 khách sạn với số lượng 126 phòng và một số nhà nghỉ, phòng trọ tư nhân; các loại dịch vụ phục vụ du lịch như dịch vụ lữ hành, các cơ sở vui chơi giải trí, cửa hàng lưu niệm, các sản phẩm dịch vụ chưa phát triển... Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 183 cơ sở lưu trú kinh doanh phục vụ khách du lịch, với 4.121 phòng, gấp 22,9 lần về số cơ sở lưu trú và gấp 32,7 lần về số phòng so với thời điểm năm 1992. Từ chỗ lượng khách du lịch đến tỉnh hằng năm chỉ vài chục ngàn người, đến nay lượng du khách đến tỉnh hằng năm trung bình khoảng từ 1,7 triệu đến 2,1 triệu lượt, đỉnh điểm năm 2019 thời điểm chưa có dịch COVID-19 số lượt khách đến tỉnh đạt 2,35 triệu lượt, tăng bình quân 18%/năm; doanh thu từ hoạt động từ du lịch tăng bình quân 13%/năm.

Các khách sạn được đầu tư, xây dựng hiện đại trên đường 16 Tháng 4 (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ

* Từ khi tái lập tỉnh đế nay, với mạng lưới hoạt động không ngừng được mở rộng, cùng với chiến lược kinh doanh linh động, các ngân hàng trên địa bàn đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác huy động vốn. Nếu tại thời điểm cuối năm 1992, tổng nguồn vốn huy động chỉ đạt 12,5 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 45,3% nguồn vốn cho vay đối với nền kinh tế lúc bấy giờ, thì đến thời điểm đầu năm 2022, tổng nguồn vốn huy động đạt 18.637 tỷ đồng, tăng gấp 1.491 lần so với năm 1992 với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 28,7%/năm, đáp ứng khoảng 56% nguồn vốn cho vay đối với nền kinh tế. Hoạt động tín dụng trên địa bàn tập trung đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Kết quả đến đầu năm 2022, tổng dư nợ tín dụng đạt 33.336 tỷ đồng, tăng gấp 1.208 lần so với cuối năm 1992, tăng trưởng bình quân đạt 27,73%/ năm.