Hệ thống siêu thị nỗ lực bình ổn giá

Giá xăng tăng sát mốc 30.000 đồng/lít, mức giá cao nhất từ trước đến nay, đã gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh thương mại tại các chợ truyền thống, cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh. Trong khi các siêu thị đang nỗ lực đàm phán với các nhà cung cấp để bình ổn giá hàng hóa thì tại các chợ truyền thống đã nhanh chóng diễn ra tình trạng “té nước theo... xăng”.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các siêu thị trên địa bàn Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, hàng hóa hầu như không tăng giá trong khi nhiều chương trình khuyến mãi liên tục được triển khai. Bà Nguyễn Thị Ánh Đào, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hà cho biết, do siêu thị đã ký hợp đồng cung ứng hàng hóa từ đầu năm nên giá xăng tăng tạm thời chưa ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa tại siêu thị. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu đầu vào như bột mì, bơ nhập khẩu, dầu ăn tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nên một số nhà cung ứng hàng hóa đã đề nghị tăng giá. Hiện, siêu thị đang làm việc với các nhà cung cấp để bình ổn giá hàng hóa trong thời gian tới, đảm bảo không để xảy ra trường hợp giá cả tăng đột biến tại Co.opmart Thanh Hà.

Siêu thị Vinmart và chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+ cũng cam kết giá cả bình ổn, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa dẫn tới tăng giá bán. Bà Bùi Thị Thùy, Giám đốc siêu thị Vinmart cho biết: Siêu thị đã nhận công văn đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp nhưng vẫn đang cố gắng thương lượng kéo dài thời gian áp dụng giá mới. Đồng thời, siêu thị tận dụng nguồn hàng dự trữ để duy trì được mức giá cũ lâu nhất có thể cho người tiêu dùng.

Người dân mua sắm hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hà

Không chỉ giữ bình ổn giá, tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh đều đang áp dụng chính sách giảm 2% thuế VAT cùng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá được triển khai liên tục, trở thành kênh mua sắm hàng hóa thiếu yếu được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Trong khi đó, tại các chợ truyền thống trên địa bàn, nguồn cung các mặt hàng rau củ quả, thủy hải sản, thịt bò, thịt heo, thịt gà… vẫn rất dồi dào nhưng giá cả các mặt hàng đều tăng mạnh. Cụ thể, giá các mặt hàng rau củ quả đã tăng gần gấp đôi; giá các loại hải sản tăng thêm 10-20 ngàn đồng/kg; thịt heo, thịt gia cầm tăng từ 10-15%; các mặt hàng gia vị, dầu ăn cũng tăng từ 5-10%. Theo lý giải của nhiều tiểu thương, giá xăng dầu tăng mạnh kéo theo chi phí vận chuyển cũng đội lên dẫn đến các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm thiết yếu tăng theo. Chị Phạm Thị Lai, tiểu thương tại chợ Phước Mỹ lo lắng: Giá hàng hóa tăng nhưng thu nhập của người dân thì vẫn vậy nên sau khi tăng giá, lượng hàng bán ra đã giảm đi khoảng 30-40% so với trước vì nhiều người cắt giảm chi tiêu. Nhưng nếu tiểu thương không tăng giá bán thì không có lời, thậm chí lỗ vì buôn bán ở chợ nhiều khâu trung gian, cộng thêm giá xăng tăng, rất khó kiềm giá.

Đại diện Sở Công Thương cho biết, do tác động từ giá xăng, dầu tăng, những ngày qua, trên thị trường, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả có chiều hướng tăng theo. Tuy nhiên, tại các hệ thống siêu thị, giá vẫn giữ ổn định, không có tình trạng nguồn cung các mặt hàng thiết yếu khan hiếm, tăng giá. Có được như vậy là bởi các doanh nghiệp bán lẻ đã dự trữ lượng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Sau nhiều đợt xăng, dầu tăng giá, Sở đã phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây lũng đoạn thị trường.