Tỉnh Ninh Thuận được tái lập từ ngày 1-4-1992 theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII. Khi mới tái lâp, tỉnh có 4 huyện, thị gồm: Thị xã Phan Rang - Tháp Chàm và các huyện Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước. Những ngày đầu tái lập, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà đứng trước bộn bề khó khăn và thách thức, tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ bé và lạc hậu, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp, đời sống Nhân dân vô cùng khó khăn. Trước bối cảnh đó, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tâm huyết và trách nhiệm của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh, cùng với sự quyết tâm, năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của Nhân dân, cộng đồng các doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực trên nhiều mặt; nhiều tiềm năng, thế mạnh được khơi dậy và khai thác hiệu quả.

Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận thi đua lao động sản xuất. Ảnh: Phan Bình
Qua chặng đường 30 năm tái lập tỉnh, đến nay Ninh Thuận đã có 7 huyện, thành phố, trong đó Tp. Phan Rang – Tháp Chàm được công nhận đô thị loại II, hai huyện Ninh Phước và Ninh Hải được công nhận huyện nông thôn mới. Về kinh tế đã có sự phát triển vượt bậc, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) theo giá hiện hành năm 2021 tăng gấp 69,6 lần năm 1992, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,14%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân của cả nước (sau 30 năm đổi mới 7%, vùng miền Trung 8,05%). Tăng trưởng giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước, nhất là giai đoạn 2011-2021 là chặng đường tỉnh ta chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo mô hình kinh tế xanh, sạch, phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chính sách Trung ương để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh giai đoạn 2018-2023 và đề xuất tư nhân hóa đầu tư tuyến đường truyền tải 500 kV để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao, nhất là 3 năm gần đây mặc dù đối diện với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh luôn thuộc nhóm đứng đầu cả nước (năm 2019 tăng 14,69% đứng thứ 4; năm 2020 tăng 10,02% đứng thứ 4; năm 2021 tăng 9% đứng thứ 4).

Công nhân Công ty Cổ phẩn Thực phẩm Cánh Đồng Việt vào ca sản xuất chế biến nha đam. Ảnh: Văn Nỷ
Dấu ấn qua 30 năm xây dựng và phát triển được thể hiện rõ, đó là đến cuối năm 2021, GRDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 68,4 triệu đồng/người, tăng gấp 49,9 lần so với năm 1992 (1,37 triệu đồng/người) rút ngắn nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước. Nếu năm 1992 Ninh Thuận thuộc nhóm tỉnh có mức tăng trưởng thấp nhất cả nước thì đến cuối năm 2020 bằng 73,9% trung bình cả nước và đứng thứ 31/63 tỉnh, phố so với cả nước; bằng 92,5% thu nhập bình quân vùng, đứng thứ 8/14 đối với các tỉnh duyên hải miền Trung. Đặc biệt, các khâu đột phá về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch từng bước được phát huy. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn duy trì ở mức tăng cao, tăng từ 33,3 tỷ đồng năm 1992 lên 4.343 tỷ đồng vào năm 2021, tăng trên 130 lần, bình quân tăng 19%. Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 67,8 tỷ đồng năm 1992 lên 29.920 tỷ đồng năm 2021, tăng 441 lần, bình quân tăng 23,4%.
Nhìn lại chặng đường sau 30 năm xây dựng và phát triển cho thấy, nền kinh tế của tỉnh đã có bước thay đổi tích cực, nhiều tiềm năng, thế mạnh được khơi dậy và khai thác hiệu quả. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, lợi thế từng ngành, từng sản phẩm được phát huy, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng từ 15,8% năm 1992 lên 38,2% vào năm 2021; khu vực dịch vụ duy trì từ 29,4% lên 29,9% và ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 54,8% năm 1992 xuống còn 31,9% năm 2021. Có được thành quả đó là nhờ tỉnh biết kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, đề cao tính tự lực, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo và hỗ trợ của Trung ương. Nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh tâm huyết và trách nhiệm, đổi mới tư duy, hình thành cách nghĩ, nâng cao tầm nhìn để giải quyết tốt nhất các mối quan hệ về kinh tế - xã hội - môi trường; lựa chọn các khâu đột phá, xác định mục tiêu chiến lược, hướng đi đúng, thích hợp, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đột phá, quyết liệt trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó còn có sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng quê hương Ninh Thuận giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc, nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực và cả nước.
Văn Thanh