Ứng dụng công nghệ số trong chăn nuôi

Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, chăn nuôi có bước phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng và giá trị, đóng góp 17,6% giá trị sản xuất toàn ngành Nông nghiệp năm 2021. Quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng của ngành Chăn nuôi là nhờ vào kết quả của việc gia tăng quy mô đàn gia súc có sừng; ổn định đàn heo và gia cầm, nâng cao chất lượng thịt. Tổng đàn gia súc có sừng hiện có hơn 354.000 con, chiếm 78,5% tổng đàn gia súc. Trong chăn nuôi, cơ cấu cừu, dê là chính, chiếm tỷ trọng lớn. Những năm qua, tỷ trọng xuất chuồng đàn dê, cừu của tỉnh có xu hướng tăng nhanh, trong đó đàn dê đứng thứ 7 trong cả nước, chiếm 6,5%, đàn cừu đứng thứ nhất cả nước, chiếm 95%.

Để đưa chăn nuôi trở thành ngành chính trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, ngày 21-1-2022 UBND tỉnh ra Quyết định số 61/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Mục tiêu của Đề án là phát triển ngành Chăn nuôi theo hướng hiện đại, phát huy các lợi thế so sánh trong chăn nuôi gia súc có sừng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong cải tạo giống vật nuôi tạo ra sản phẩm có chất lượng; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi giá trị, tăng cường liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng; từng bước hình thành các vùng chăn nuôi an toàn, ứng dụng công nghệ số; tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, bền vững, bảo đảm an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; nâng cao giá trị thương hiệu các sản phẩm đặc thù, bản địa, gắn chăn nuôi với phát triển dịch vụ du lịch.

Đối với ứng dụng công nghệ số trong chăn nuôi thì chú trọng ứng dụng robot để tự động hoá hệ thống chăn nuôi từ khâu nhập vật nuôi, phân loại, quản lý tiểu khí hậu ở từng ô nuôi, phối hợp nhịp nhàng cho uống, cho ăn, vệ sinh chuồng trại. Xử lý chất thải và môi trường bằng công nghệ nano: hấp thụ H2S, tích hợp cảm biến đo nồng độ H2S, NH3, kiểm tra thành phần khí sau khi lọc, có van 42 điều khiển lượng khí vào và ra sau khi lọc, giúp xử lý được môi trường ở các trại chăn nuôi. Mỗi cá thể được gắn với các thiết bị cảm biến (công nghệ tự động nhận dạng, chíp điện tử Afitag) tự động cập nhật và phản ánh số liệu thực qua IoT cho người nuôi về sức khỏe, tình trạng sinh lý (động dục, thai sản, tình trạng dinh dưỡng, khả năng phát sinh dịch bệnh), và môi trường, nhu cầu dinh dưỡng là cơ sở cho robot phối trộn thức ăn dựa trên phần mềm chuyên dụng như RationAll và là cơ sở để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Toàn bộ các tác nghiệp được số hóa và truyền qua IoT tới chủ trang trại chăn nuôi qua thiết bị di động. Trong công tác thú y, công nghệ chẩn đoán phát hiện bệnh chỉ trong một ống nghiệm ngay tại thực địa mà không cần máy ổn nhiệt hay máy đọc kết quả; công nghệ chíp chẩn đoán phát hiện một nhóm bệnh nhờ tích hợp thành tổ hợp “multiplex” có thể đồng thời phát hiện hàng chục vi sinh vật gây hại khác nhau trên vật nuôi.

Hiện nay, các tổ chức, cá nhân, đang duy trì 2 phương thức chăn nuôi cơ bản: Chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại. Đối với chăn nuôi nông hộ, tập trung phát triển chăn nuôi hữu cơ và chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu cho tiêu dùng. Riêng chăn nuôi trang trại thì áp dụng các biện pháp khoa học đối với các loại giống vật nuôi bản địa như dê, cừu, tạo ra chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân, giải quyết lao động và sử dụng có hiệu quả đất đai ở khu vực nông thôn.

Nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiện đại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín từ khâu giống, thức ăn, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi để các hộ chăn nuôi chuyển từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ thành các trang trại chăn nuôi với quy mô vừa và quy mô lớn tập trung ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án chăn nuôi trang trại và chăn nuôi công nghệ cao.