Ngư dân vượt “bão giá” xăng, dầu vươn khơi

Ngư dân trong tỉnh đang đối diện với khó khăn khi giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến chi phí chuyến biển tăng theo. Trong thời điểm chính vụ khai thác hải sản như hiện nay, để gỡ khó, nhiều ngư dân đã nhanh chóng tìm biện pháp thích ứng. Trong đó, phát huy vai trò các tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển được coi là cách làm hiệu quả.

Chủ tàu gặp khó

Dù là thời gian “đẹp nhất” của mùa đánh bắt hải sản, nhưng tại Cảng cá Đông Hải (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm), hàng chục tàu cá của ngư dân vẫn im ắng nằm bờ, lượng tàu thuyền ra vào cảng giảm hơn một nửa so với trước đây. Ông Đỗ Huỳnh Tiến, chủ tàu cá ở địa phương cho biết, nguyên nhân ngư dân “treo thuyền” là do không thể kham nổi khi giá xăng dầu tăng quá cao.

“Dịch bệnh khó khăn, lao động ngày càng khan hiếm không mặn mà đi biển, nguồn lợi thủy sản cũng ngày một ít dần, đặc biệt là sau tết Nguyên đán giá dầu liên tục tăng cao, giá đá lạnh, dịch vụ hậu cần nghề cá và nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng theo nên các tàu không dám ra khơi, chấp nhận nằm bờ. Đi biển hơn 40 năm, chưa khi nào tôi cảm thấy khó khăn như hiện nay.”, ông Tiến than thở.

Cũng như ông Tiến, anh Trần Văn Thắng, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) chỉ cho 2 trong số 4 chiếc tàu cá của gia đình vươn khơi để giữ chân bạn thuyền, duy trì sản xuất, 2 chiếc còn lại vẫn phải neo bến chờ giá dầu ổn định. Anh Tiến tính toán: Trước tết Nguyên đán, giá dầu chỉ khoảng 19.000 đồng/lít, giờ lên hơn 21.000 đồng/lít, như vậy cứ mỗi chuyến ra khơi ngư dân lại mất thêm vài chục triệu đồng, trong khi hải sản khan hiếm, cộng thêm ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến người mua giảm nên ngư dân chúng tôi không thể nâng giá bán hải sản để bù chi phí.

Ngư dân trăn trở tìm cách ứng phó khi giá nhiên liệu tăng cao.

Linh động ứng phó

Giá nhiên liệu tăng cao, chi phí chuyến biển của ngư dân khai thác vùng khơi đã tăng thêm từ 15-20 triệu đồng, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập. Song, không thể để tàu mãi nằm bờ, nhiều ngư dân đã linh động tìm cách ứng phó, quyết tâm vươn khơi duy trì sản xuất.

Gặp ngư dân Trần Văn Minh, thuyền trưởng tàu cá NT 90959 TS ở xã Cà Ná (Thuận Nam) khi anh và các thuyền viên đang chuẩn bị giong thuyền ra khơi, anh cho biết: Trước điều kiện đánh bắt gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao, tôi đã bàn với 5 chủ tàu trong Tổ đoàn kết khai thác hải sản để hỗ trợ nhau trên biển. Khi các tàu đánh bắt, có sản phẩm thì sẽ bố trí 1 tàu chở hải sản của 4 tàu khác về bờ xuất bán, sau đó sẽ hỗ trợ chi phí tiền dầu cho nhau để vừa cung cấp hải sản kịp thời tươi ngon, vừa tiết kiệm được nhiên liệu cho những tàu còn lại.

Ngư dân Nguyễn Xuân ở xã Phước Diêm (Thuận Nam) cũng nhanh chóng tìm cách thích ứng. Khi đánh bắt ở ngoài biển, tùy theo điều kiện địa lý, tàu cá của ông sẽ vào cảng cá của các tỉnh gần đó để xuất bán hải sản thay vì trở lại cảng cá địa phương, giúp tiết kiệm chi phí. Ông dự tính, nếu tình trạng xăng dầu vẫn tăng cao, ông sẽ bán hải sản trực tiếp ngay trên biển cho các tàu dịch vụ để tiếp tục đánh bắt thay vì quay trở lại bến.

“Mặc dù khó khăn chồng chất nhưng ngư dân chúng tôi vẫn sẽ cố gắng vươn khơi bám biển, duy trì sản xuất. Trong thời gian tới, rất mong Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ, đồng hành với ngư dân trong việc ổn định đầu ra cho mặt hàng hải sản, hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá và cước phí liên lạc trên biển, quan tâm xem xét việc tăng thêm số chuyến biển được hỗ trợ nhiên liệu cho chủ tàu từ 4 chuyến/năm lên 6 chuyến/năm”, ông Xuân kiến nghị.

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và lợi nhuận từ nghề biển không còn nhiều như trước, nhưng ngư dân trong tỉnh vẫn luôn vươn khơi, bám biển. Bởi ngư dân vẫn xem “thuyền là nhà, biển cả là quê hương,” vươn khơi không chỉ để mưu sinh mà còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.