Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Ngày 7-3-2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 909/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Nội dung Kế hoạch như sau:

Về mục đích, yêu cầu, Kế hoạch nêu rõ:

Cụ thể hóa các Nghị quyết: Số 10-NQ/TU ngày 02/12/2021 của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022; số 16-NQ/TU ngày 13/01/2022 của Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thực hiện xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; số 105/NQ-HĐND ngày 11/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Đảm bảo thực hiện đúng định hướng, đạt mục tiêu của Chương trình và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức thực hiện Chương trình trên phạm vi toàn tỉnh. Đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện Chương trình của các địa phương, đặc biệt là đối với các địa phương phấn đấu đạt chuẩn theo các mức độ.

Một góc hạ tầng giao thông xã nông thôn mới Phước Hải (Ninh Phước) giúp người dân thuận lợi trong việc giao thương. Ảnh: Văn Nỷ

Triển khai toàn diện các nội dung của Chương trình ở các lĩnh vực, các cấp (huyện, xã, thôn); duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 theo các mức độ; vừa tập trung chỉ đạo điểm (đối với các địa phương phấn đấu đạt chuẩn) vừa triển khai trên diện rộng, đặc biệt là đối với các xã khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Về mục tiêu, Kế hoạch yêu cầu:

1. Duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các huyện, xã, thôn đã được công nhận đạt chuẩn theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao) theo Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025; không để tụt tiêu chí.

2. Phấn đấu có thêm từ 02-03 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới từ 66-68%; 04-05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có từ 10% số thôn đạt chuẩn nông thôn mới (các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao phấn đấu mỗi xã có ít nhất 01 thôn đạt chuẩn nông thôn mới).

3. Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025 ở khu vực nông thôn ít nhất 1,5%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Kế hoạch nêu rõ:

1. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025.

2. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để thực hiện các nội dung của Chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững.

3. Tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ các xã, thôn phấn đấu đạt chuẩn các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) năm 2022. Các Sở, ban, ngành, cơ quan liên quan được phân công hỗ trợ các xã chủ động phối hợp cùng các huyện xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ các xã trên cơ sở về kết quả thực hiện tiêu chí của các xã, trong đó tập trung hỗ trợ các tiêu chí chưa đạt.

4. Chỉ đạo, phối hợp thực hiện hiệu quả 11 nội dung của Chương trình và giải quyết các vấn đề tồn tại, những vấn đề mới trong xây dựng nông thôn mới (môi trường, an toàn thực phẩm, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện Chương trình OCOP; chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch nông thôn…).

5. Rà soát, đánh giá hiện trạng và có giải pháp duy trì, giữ vững chất lượng tiêu chí đối với các huyện, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chuẩn nông thôn mới nâng cao từ năm 2021 trở về trước đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao).

6. Kiện toàn, hoàn thiện bộ máy tổ chức cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình ở các cấp đồng bộ từ tỉnh đến xã với chức năng là cơ quan quản lý, điều phối đa ngành theo hướng kế thừa bộ máy đã được xây dựng giai đoạn 2016-2020; đảm bảo chuyên trách, chuyên nghiệp, giảm thành viên kiêm nhiệm và chuyển sang hướng biệt phái, luân phiên một số thành viên sang hoạt động trong một thời gian nhất định để nâng cao hiệu quả tham mưu, giúp việc.

7. Huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo quy định; căn cứ vào tình hình thực tế, ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng để thực hiện Chương trình.

- Huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) và lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn để tổ chức triển khai Chương trình.

- Thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích cho vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

- Tăng cường vận động các tổ chức kinh tế đăng ký hỗ trợ các địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới; vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới theo nguyên tắc tự nguyện cho từng dự án, nội dung cụ thể.

- Tiếp tục tăng cường các hoạt động vận động các nhà tài trợ, các tổ chức kinh tế hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các nội dung liên quan đến những vấn đề cấp thiết của Chương trình; tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn viện trợ không hoàn lại… để tăng thêm nguồn lực đầu tư cho Chương trình.

8. Tập trung công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp; tăng cường công tác trao đổi, học tập kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới ở trong và ngoài tỉnh.

9. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.

Về tổ chức thực hiện, Kế hoạch giao các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị mình để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo lĩnh vực, địa bàn, bảo đảm hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra. Hàng quý báo cáo tình hình thực hiện (thông qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh) trước ngày 25 của tháng cuối quý để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh.

Giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ngành, địa phương tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp; tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình, báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc của địa phương trình Ban Chỉ đạo, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, xử lý; theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chương trình theo định kỳ.