Trong đợt điều chỉnh giá bán lẻ mới đây vào chiều ngày 1-3, giá xăng trong nước có lần tăng thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay và lập kỷ lục mới trong 8 năm qua. Cụ thể, xăng E5 RON92 có giá bán đối đa 26.077 đồng/lít, xăng RON95 là 26.834 đồng/lít, giá các loại dầu cũng tăng thêm 470-530 đồng/lít, ký. Tương tự, từ ngày 1-3, giá gas bán lẻ cũng tiếp tục được điều chỉnh tăng lần thứ 2 liên tiếp trong năm, vượt mức 500.000 đồng/bình 12 kg. Cả giá xăng và giá gas đều tăng cao, các đơn vị sản xuất, người bán hàng và cả người tiêu dùng đều đang lo ngại. Chị Trần Thị Thanh Trúc, người dân phường Phủ Hà (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) lo lắng: Thực tế lâu nay cứ hễ xăng, dầu tăng giá thì kéo theo cái gì cũng tăng với lý do mọi khâu vận chuyển nguyên liệu đều tăng. Do vậy, bây giờ mỗi lần đi chợ tôi đều phải tính toán kỹ lưỡng nên mua gì, không mua gì để hạn chế chi tiêu, tần suất đi chợ cũng giảm hơn so với trước Tết.
Khảo sát tại nhiều chợ truyền thống trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, từ sau Tết đến nay, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, sức tiêu thụ giảm trong khi nhiều chi phí phát sinh, nhất là sau khi giá các loại xăng, dầu liên tục tăng cao. Nhiều tiểu thương cho biết giá xăng, dầu tăng khiến chi phí vận chuyển hiện tại đã tăng gần gấp rưỡi so với trước Tết. Do đó, nhiều mặt hàng phải tăng giá để bù lại chi phí vận chuyển.
Người tiêu dùng mua các loại rau củ quả tại chợ Phước Mỹ.
Việc giá xăng, dầu tăng cao khiến nhiều DN sản xuất thêm lao đao bởi đây là mặt hàng nguyên liệu đầu vào rất quan trọng. Trong số này, các DN vận tải là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vừa mới bắt đầu hồi phục được một phần sau đại dịch COVID-19, nay các DN vận tải lại phải đối mặt với thách thức lớn khi giá xăng, dầu liên tục tăng mà giá cước vận tải thì khó lòng tăng theo. Ông Nguyễn Đình Chiêu, Giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch Quốc tế (Taxi Quốc Tế) chi nhánh Ninh Thuận cho biết: Tác động của đại dịch COVID-19 khiến lượng khách hàng đã giảm sâu, nay giá xăng, dầu tăng lại thêm khó khăn đối với DN. Tình hình hiện nay nếu không tăng cước thì gánh nặng chi phí rất cao, mà tăng cước thì lại sợ mất khách, mất thị phần.
Bên cạnh giá xăng, dầu, giá gas tăng cũng khiến nhiều nhà hàng, quán ăn và không ít người tiêu dùng trong tỉnh thêm gánh nặng chi tiêu. Chị My, bán đồ ăn vặt ở phường Thanh Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) chia sẻ: Giá gas tăng nhanh khiến tôi lo lắng vì ngoài gas tăng thì chi phí nguyên liệu, mặt bằng cũng tăng. Sau 2 lần tăng giá từ đầu năm, tôi phải chi thêm hơn 1,3 triệu đồng mỗi tháng cho tiền gas, trong khi giá bán đồ ăn lại không thể tăng vì còn yếu tố cạnh tranh. Anh Đô, chủ một quán ăn trên đường Nguyễn Trãi (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cũng than thở: Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên doanh thu không ổn định. Bây giờ, xăng, dầu, gas đua nhau tăng giá, đẩy chi phí đầu vào khá cao trong khi vẫn phải bán giá ổn định để giữ chân khách hàng nên hoạt động kinh doanh của chúng tôi khó lại thêm khó.
Sự tác động của giá xăng, dầu, gas tăng cao kéo theo biến động giá hàng hóa tiêu dùng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN cũng như đời sống, chi tiêu hàng ngày của người dân. Hơn lúc nào hết, Nhà nước cần sớm có giải pháp bình ổn thị trường để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Minh Thương