Theo đó, UBND tỉnh giao Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao. Lưu ý trong khâu tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến, khi có hồ sơ nộp trực tuyến cần phải có phản hồi cho tổ chức, công dân; ngoài ra không được yêu cầu tổ chức, công dân cung cấp hồ sơ giấy khi hồ sơ nộp trực tuyến đã được chấp nhận, không được yêu cầu bổ sung các thành phần hồ sơ không có trong quy định của thủ tục; đồng thời tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao về triển khai thực hiện rà soát, đánh giá, đề xuất phân cấp TTHC trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin giải quyết kịp thời hồ sơ cho người dân. Ảnh: Văn Nỷ
UBND tỉnh cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, tham mưu, phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, hình thành các dữ liệu dùng chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của các bộ, ngành với Cổng Dịch vụ công của tỉnh.
Văn phòng UBND tỉnh theo dõi việc thực hiện TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của tỉnh; phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của tỉnh, đường dây nóng tiếp nhận thông tin và giải đáp thắc mắc về TTHC.
B.H