Các đại biểu tham dự Hội nghị. - Ảnh: Chinhphu.vn
Ngày 27/5, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã chủ trì Hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 12/2000/NQ-CP về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2000-2010.
Thiệt hại lớn hơn nhiều lợi nhuận
Trong thập kỷ qua, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp cụ thể và cứng rắn về phòng chống thuốc lá. Nhiều người dân đã thay đổi nhận thức và chủ động “nói không” với thuốc lá. Tỷ lệ nam giới hút thuốc lá giảm từ 56,1% năm 2001 xuống còn 47,4% năm 2010. Tỷ lệ này đối với nữ giới còn 1,4% năm 2010.
Việc thực hiện môi trường không khói thuốc, nhất là tại các hội nghị, hội thảo, các cơ quan công sở đã từng bước đi vào nề nếp. Trong các đám hiếu, đám hỷ tại nhiều địa phương đã bỏ hoặc giảm hẳn thói quen mời thuốc lá, thuốc lào.
Đặc biệt, hành vi hút thuốc nơi công cộng ngày càng không được cộng đồng chấp nhận như trước. Tuy nhiên, quy định cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi vẫn chưa thực hiện được.
Tại Hội nghị, có ý kiến cho rằng, thuốc lá được coi là ngành công nghiệp đem lại lợi nhuận cao, là nguồn thu khá lớn đối với ngân sách, vì vậy nếu kiểm soát thuốc lá quá chặt chẽ thì sẽ tác động đến giảm doanh số tiêu thụ, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu của nhà nước. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh nếu tính toán đầy đủ thì thiệt hại do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra với xã hội lớn hơn rất nhiều.
Mặc dù bị cấm quảng cáo, nhưng các chiêu thức này của ngành công nghiệp thuốc lá vẫn biến tướng rất tinh vi. Theo đó, các công ty xuyên quốc gia này có những chiến lược phát triển sản phẩm cũng như các chiêu thức lách luật nhằm thực hiện các hoạt động quảng cáo sản phẩm và quảng bá thương hiệu rất bài bản và thực hiện tại nhiều nước khác nhau. Các tập đoàn sản xuất thuốc lá cũng sử dụng nhiều chiêu bài vận động làm chậm việc thực thi chính sách tăng thuế hay in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh lên vỏ bao thuốc lá.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu trao danh hiệu khen thưởng cho các tập thể
và cá nhân đạt thành tích trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Chánh Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, mức thuế thuốc lá ở nước ta chiếm 45% giá bán lẻ, mức này thấp hơn rất nhiều so với con số 65-85% do Ngân hàng Thế giới khuyến cáo và so với mức thuế đã thực hiện ở các nước có chính sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả.
Bên cạnh đó, mức giá trung bình của các sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam còn quá thấp, lại dễ mua và không bị khống chế số lượng. Chế tài xử phạt còn quá nhẹ và không được thực hiện thường xuyên.
Ông Khuê kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách và biện pháp thi hành quyết liệt hơn nữa, đồng thời sớm xây dựng Luật phòng chống tác hại thuốc lá toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa trên cơ sở học tập kinh nghiệm của các nước trong khu vực và thế giới.
Truyền thông cần vào cuộc tích cực hơn
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Y tế cần thể hiện trách nhiệm
quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hậu quả và những lãng phí của xã hội do thuốc lá rất lớn. Theo đó, mỗi ngày cả nước phải chi khoảng 2,4 triệu USD để mua thuốc lá và trên cả nước cứ 1 giờ có 4 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Vì vậy, Bộ Y tế cần thể hiện trách nhiệm trước Chính phủ, trước xã hội quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa. Hàng năm Bộ Y tế chưa có đánh giá tổng kết về tình hình phòng chống tác hại của thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong kiểm soát tác hại của thuốc lá với người dân.
Phó Thủ tướng đề nghị cần cương quyết hơn nữa trong việc cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi.
Đồng thời, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế trong phòng chống thuốc lá, từ đó có những thỏa thuận khung với các tổ chức quốc tế xung quanh về vấn đề này.
Bên cạnh đó, khẩn trương in hình ảnh cảnh báo ung thư phổi vào tất cả các sản phẩm thuốc lá sản xuất tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần tập trung nhiều hơn đối với công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe - hoạt động đóng vai trò then chốt trong phòng chống tác hại của thuốc lá.
Theo đó, các phương tiện thông tin truyên truyền cần vào cuộc tích cực hơn nữa, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục phòng chống tác hại thuốc lá nhằm tác động mạnh mẽ vào ý thức của người dân, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên cả nước.
Trên thế giới hàng năm có 5,4 triệu người chết do hút thuốc chủ động và khoảng 600.000 người chết do hút thuốc thụ động. Ước tính đến 2020, hàng năm sẽ có 8 triệu người sẽ chết do sử dụng thuốc lá. Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới.
Theo thống kê năm 2007, cả ở nước ta đã bỏ ra 17 nghìn tỷ để mua thuốc lá và điều trị các bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra. Ở Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc trong nhà rất cao, do vậy 73% phụ nữ thường xuyên hít khói thuốc, 1/2 trẻ em thường xuyên hít khói thuốc tại nhà, thời gian hút thuốc bị động trung bình là 26 phút/ngày.
Nguồn www.chinhphu.vn