(NTO) Theo quy định, từ ngày 1-5-2011, mức lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan nhà nước… được tăng lên từ 730 ngàn đồng lên 830 ngàn đồng/người/tháng. Đây là một trong những chính sách nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. Tuy nhiên, so với mức trượt giá trong thời gian qua, mức tăng lương vẫn chưa thể cải thiện đời sống cho người lao động.
KHÓ KHĂN VÌ GIÁ CẢ TĂNG !
Những tháng đầu năm nay, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tiếp đó là xăng, dầu, điện, nước… liên tục tăng khiến người lao động phải “chóng mặt”. Chỉ trong vòng vài tháng, giá thịt heo tăng từ 70.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg, thịt bò loại 1 tăng từ 140.000 đồng/kg tăng lên 180.000 đồng/kg, eif gas loại bình 13 kg từ 380.000 đồng/bình lên 430.000 đồng/bình… Chị Nguyễn Thị H, một công chức nhà nước cho biết: Trước đây, lương của tôi gần 1,8 triệu đồng/tháng nay tăng lên đựơc hơn 1,9 triệu đồng, cộng thêm tiền công tác phí, mỗi tháng thu nhập cũng khoảng 2,2 triệu đồng. Lương tăng không bao nhiêu mà giá cả cứ tăng vùn vụt. Chồng cũng là công chức nhà nước, con còn nhỏ. Nào tiền ăn, tiền sữa, tiền học cho con, phải tiết kiệm lắm mới đủ trang trải.
Giá cả tăng, chị em nội trợ đi chợ cũng phải phân vân lựa chọn từng bó rau, mớ cá.
Riêng đối với các doanh nghiệp, quy định tăng mức lương cơ bản cho người lao động đã được các đơn vị thực hiện bắt đầu từ đầu năm 2011, với mức 830.000 đồng, 1.050.000 đồng, tùy theo từng vùng lao động. Tuy nhiên, đối với một số đơn vị, mức tăng trên cũng không mang lại hiệu quả trong việc nâng cao thu nhập cho người lao động vì trên thực tế, trước đó, một số doanh nghiệp đã nâng mức lương cơ bản cao hơn mức lương nhà nước quy định. Anh Trần Minh Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH May Tiến Thuận cho biết: Theo quy định, mức lương cơ bản cho người lao động vào đầu năm 2011, được phân loại theo vùng III như đơn vị chúng tôi hiện là 1.050.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2010, chúng tôi đã áp dụng mức lương sàn cho công nhân là 1.087.000 đồng/người/tháng. Đến đầu năm 2011, mức lương sàn của công ty được tăng lên 1.409.000 đồng/người/tháng”. Chị Trần Thị Bích Hà, công nhân công ty cho biết: Trước đây, trung bình mỗi tháng lương khoảng 1,5 triệu đồng, giờ tăng lên gần 2 triệu đồng. Mặc dù rất phấn khởi vì mức lương sàn được trả cao hơn nhiều so với quy định nhưng giá cả tăng vèo vèo như thế, mình thấy cuộc sống của gia đình chẳng cải thiện được bao nhiêu!”.
THAY ĐỔI ĐỂ HÒA NHẬP
Đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn vì giá cả tăng, tuy nhiên nhiều người khi được hỏi lại tỏ ra rất lạc quan. Chị Nguyễn Thị Minh Hảo, một giáo viên, vui vẻ cho biết: Giờ chuyện tăng giá chẳng còn mới mẻ gì. Ông bà ta từng nói “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Điều quan trọng là mỗi người cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, biết xử lý, điều chỉnh khéo léo cuộc sống rồi mọi việc cũng êm xuôi cả”. “Cái khó lại ló cái khôn”, nhiều người lại tạo ra cho mình cách sống mới để bắt nhịp với tình hình khó khăn hiện nay. Nhưng chung quy lại thì phương án “tiết kiệm” luôn được xem là “thượng sách”. Chị Nguyễn Thanh Vân phường Thanh Sơn (PR-TC) cho biết: “Trước đây, mỗi tuần gia đình ăn 3 bữa thịt heo, nhưng thời gian qua do giá thịt heo tăng cao, tôi quyết định giảm thịt, thay vào đó dùng đậu phụ, tăng cường thêm rau xanh. Ngoài ra, mỗi sáng tôi đều dậy sớm tổ chức ăn sáng cho gia đình tại nhà, như thế, một tháng không chỉ tiết kiệm được một khoảng kha khá, mà ăn uống lại còn bảo đảm vệ sinh, tốt cho sức khỏe”. Đối với các bà mẹ có con nhỏ, nhiều chị quyết định chuyển các loại sữa ngoại đắt tiền sang các loại sữa nội cho con. Chị Trần Thị Minh Thi, phường Phủ Hà (PR-TC) cho biết: Khi đổi sữa cho con, mình cũng phân vân lắm. Nhưng qua 2 tháng con mình vẫn phát triển, sức khỏe tốt, mà mỗi tháng còn tiết kiệm được trên 500 ngàn đồng”. Còn với gia đình anh Phan Văn Thành, ở phường Phước Mỹ (PR-TC) lại đưa phương án tiết kiệm điện, điện thoại lên hàng đầu. Anh chia sẻ: “Nhà chỉ có 4 người, vậy mà sau khi cơm nước xong, 2 đứa con lại thích về phòng riêng đóng cửa bật điện, tivi, máy quạt nằm chơi, chẳng buồn nói chuyện với cha mẹ. Mặc dù có điện thoại di động riêng nhưng chúng lại không dùng mà chỉ dùng điện thoại bàn do cha mẹ trả tiền. Đến cuối tháng nhìn hóa đơn tiền điện, điện thoại mà hoa cả mắt. Từ khi giá cả tăng cao, vợ chồng chúng tôi bàn bạc cắt luôn điện thoại bàn và vận động các con sau buổi cơm tối tập trung cùng gia đình, xem ti vi, trò chuyện ở phòng khách. Ngoài ra, vợ chồng tôi còn yêu cầu mỗi đứa phải nộp vào 1 triệu đồng phụ giúp thêm cho cha mẹ tiền sinh hoạt hàng tháng. Lúc đầu thay đổi thói quen sống, bọn trẻ cũng thấy khó chịu nhưng dần cũng quen, không những tiết kiệm chi phí, mà còn tạo ra không khí ấm cúng trong gia đình. Các con mình cũng có ý thức, trách nhiệm hơn với bản thân và gia đình”.
Giá cả gia tăng gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Tuy nhiên, qua những khó khăn ấy, người lao động cũng đã có ý thức hơn trong việc thực hành tiết kiệm, linh hoạt thay đổi thói quen một cách tích cực, bắt nhịp nhanh với những khó khăn trong cuộc sống vì giá cả tăng. Và nếu mỗi người trong chúng ta ai cũng có ý thức làm được điều ấy, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả, sớm khắc phục tình trạng lạm phát đang diễn ra.
Uyên Thu