(NTO) Bước vào mùa khô năm nay, thời tiết diễn biến bất thường, không khí khô hanh là “chất xúc tác” dễ gây ra cháy rừng, vì thế công tác chủ động phòng chống cháy rừng đang được huyện Ninh Phước tập trung, đẩy mạnh.
Tại xã Phước Vinh, nơi có tổng diện tích rừng là 590 ha, công tác phòng chống chữa cháy rừng (PCCCR) vào mùa khô luôn được chính quyền quan tâm. Đ/c Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban PCCCR cho biết: “Sau khi mùa mưa kết thúc, Ban chỉ huy PCCCR xã đã bắt đầu xây dựng phương án chủ động PCCR cho mùa khô. Là nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc sinh sống nên chúng tôi mở các đợt tuyên truyền để bà con biết cách dập tắt lửa khi phát hiện cháy... Hiện nay, bà con đã có ý thức rất cao trong việc bảo vệ và PCCCR nên từ đầu mùa khô đến nay trên địa bàn xã chưa xảy ra bất kỳ vụ cháy nào”. Để chủ động PCCCR có hiệu quả, xã Phước Vinh đã vận động, tổ chức cho các hộ sinh sống tại khu vực có rừng ký cam kết thực hiện bảo vệ rừng và PCCCR trong mùa khô. Gia đình ông Mang Vũ, thôn Liên Sơn 2, sống gần khu vực rừng đã lâu nên ông hiểu rõ hơn ai hết về công tác PCCCR, ông cho biết: “Mùa khô năm nay thời tiết nóng hơn mọi năm vì thế mà cháy rừng rất dễ xảy ra. UBND xã cũng đã mở các đợt tuyên truyền giúp cho bà con biết được cách PCCCR hiệu quả, vì rừng che chở cho bà con nên việc bảo vệ và phát triển rừng là cần thiết”. Cũng như gia đình ông Mang Vũ, gia đình chị Ngô Thị Hương, ở thôn Bảo Vinh, đã ký cam kết với Quy ước bảo vệ rừng của thôn và công tác PCCCR vào mùa khô của xã, chị cho rằng “mình sống được cũng nhờ có rừng, chính vì thế mà việc bảo vệ rừng cũng như việc bảo vệ cho chính cuộc sống của mình vậy”.
Hiện nay, huyện Ninh Phước có tổng diện tích rừng và đất rừng 8.644 ha. Trong đó, đất có rừng chiếm 7.644 ha (rừng tự nhiên chiếm 6203,7 ha, rừng trồng 1.453 ha và diện tích không có rừng là 987,3 ha). Vào mùa khô, dưới các tán rừng có thảm thực bì khô rất dễ bén lửa, nếu không có các biện pháp PCCCR tích cực thì khả năng bùng phát cháy rừng rất cao. Ông Nguyễn Thái Bình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: “Trong điều kiện địa hình phân bố phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nguồn nước xa, nếu để xảy ra cháy rừng thì hậu quả sẽ khôn lường". Để chủ động bảo vệ tài nguyên rừng, huyện đã triển khai đồng bộ các biện pháp PCCCR. Đặc biệt, khi bước vào mùa hanh khô, công tác này luôn được đặt lên hàng đầu với sự tham mưu chặt chẽ của cơ quan thường trực là Hạt Kiểm lâm huyện. Đội ngũ cán bộ kiểm lâm viên, kiểm lâm địa bàn cũng đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình. Với nhiệm vụ bám rừng, bám dân và bám chính quyền cơ sở, đội ngũ cán bộ này đã thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương, tổ chức tuyên truyền, tuần tra phát hiện và xử lý nghiêm các vụ phá rừng làm nương rẫy, vận chuyển lâm sản trái phép, nên đã hạn chế được tối đa các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Tính đến tháng 5, lực lượng kiểm lâm huyện Ninh Phước đã phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tổ chức tuần tra, truy quét, phát hiện 18 vụ vi phạm lâm luật. Lực lượng kiểm lâm huyện Ninh Phước đã xử lý hành chính 9/18 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước 133,2 triệu đồng.
Ban chỉ huy PCCCR huyện cũng đã kiểm tra các diện tích rừng có nguy cơ cháy cao nhằm hướng dẫn các chủ rừng về công tác vệ sinh, chăm sóc rừng trồng và mang các vật liệu dễ cháy ra khỏi phạm vi rừng. Hướng dẫn UBND các địa phương có rừng phối hợp với đơn vị chủ rừng Nhà nước quản lý, chỉ đạo sát sao lực lượng canh coi cửa rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát những người đi lại, sinh hoạt trong rừng, rẫy trọng điểm nhằm nêu cao ý thức bảo vệ rừng; cảnh giới cao việc sử dụng lửa trong mùa khô hanh; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đến đông đảo người dân, từ đó tổ chức cho các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản trên địa bàn ký cam kết bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư. Với những biện pháp đồng bộ, công tác PCCR năm 2011 ở Ninh Phước đã được những kết quả ban đầu. Từ đầu mùa khô đến nay, do làm tốt công tác rà soát, kiểm tra một cách chặt chẽ vì thế trên địa bàn huyện chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.
Việc chủ động, triển khai các biện pháp PCCCR hợp lý, đều khắp, cụ thể và cấp bách sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng xảy ra. Về lâu dài, theo ông Nguyễn Thái Bình: công tác PCCCR chỉ thực sự có hiệu quả khi mọi người dân đều coi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Song song với đó, các cấp ủy, chính quyền xã, thôn phải vào cuộc và xử phạt nghiêm minh đối tượng gây ra cháy rừng. Có như vậy “lá phổi xanh” mới được bảo vệ và phục vụ cho nhu cầu sống của chính người dân.
Trần Phương