Trên tinh thần kế thừa, phát huy từ CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, CVĐ được triển khai với 5 nội dung có tính bao quát ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực đời sống như: Kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế... Nếu được triển khai hiệu quả ở cơ sở, khu dân cư, CVĐ sẽ có những tác động tích cực đối với sự phát triển của cả tỉnh, nhất là công tác xây dựng, duy trì và nâng cao các tiêu chí trong xây dựng NTM. Trong đó, yếu tố quyết định để CVĐ đạt kết quả chính là phát huy được sức mạnh nội lực từ Nhân dân, lấy người dân làm chủ thể thực hiện. Trong quá trình triển khai thực tế, các cấp Mặt trận đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của CVĐ; lồng ghép, tích hợp các phong trào thi đua ở cơ sở. Đồng thời, triển khai nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, mang lại lợi ích thực tế cho Nhân dân, từ đó góp phần tạo được sức lan tỏa, hưởng ứng trong đông đảo các tầng lớp Nhân dân.
Bà con thôn Hành Rạc 2, xã Phước Bình (Bác Ái) nhờ chuyển sang trồng bưởi da xanh mà kinh tế gia đình ngày càng nâng cao.
Qua 5 năm triển khai CVĐ, Mặt trận các cấp đã vận động Nhân dân ở các khu dân cư đóng góp trên 555 tỷ đồng (tiền mặt, hiến tặng đất, vật tư) để xây dựng, sửa chữa các công trình dân sinh; ủng hộ hơn 53 tỷ đồng xây dựng 3.363 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; trồng trên 50.000 cây xanh ở khu công cộng, đường làng, nhà dân; triển khai 16 mô hình “Xã lành mạnh, thôn an toàn về an ninh trật tự và an toàn giao thông”... qua đó, góp phần mang lại những hiệu quả tích cực trong thay đổi diện mạo các thôn, khu phố; đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nông thôn khang trang; đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo... Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh có 26/47 xã đạt chuẩn NTM, 2/6 huyện đạt chuẩn huyện NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12/18 phường, thị trấn đạt chuẩn “Văn minh đô thị”, 316/397 khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa.
Đơn cử như xã Phước Thuận (Ninh Phước), các tuyến đường lớn của địa phương đều rợp bóng mát cây xanh, sạch đẹp. Đồng chí Trịnh Thị Út, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cho biết: Nhằm thực hiện có hiệu quả CVĐ, nhất là thực hiện nội dung xây dựng cảnh quan môi trường. Những năm qua, Mặt trận đã phối hợp với đoàn thể của xã để vận động, tập hợp Nhân dân xây dựng 2 tuyến đường xanh - sạch - đẹp. Nhận thấy lợi ích từ hoạt động này sẽ góp phần thay đổi diện mạo các tuyến đường trong thôn, xóm, đông đảo bà con đã tích cực hưởng ứng bằng việc hằng tuần các hộ chủ động phân công nhau để đảm nhận trồng và chăm sóc những hàng cây xanh, tuyến đường hoa, giữ gìn, thu gom vệ sinh môi trường trong nhà, ngoài ngõ. Từ việc làm này không chỉ xây dựng nếp sống văn minh ở nông thôn mà còn gắn kết tình đoàn kết giữa các hộ gia đình, cụm dân cư lại với nhau.
Hay đối với người dân thôn Hành Rạc 2, xã Phước Bình (Bác Ái), CVĐ đã để lại những “dấu ấn” quan trọng trong tạo điều kiện giúp bà con nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững bằng việc chuyển đổi cây trồng kém năng suất, hiệu quả sang cây ăn trái. Đồng thời, các hộ dân trong thôn còn tích cực hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế. Điển hình như ông Katơr Quỳnh, cán bộ hưu trí của xã, năm 2018, ông vận động 14 hộ trong thôn chuyển đổi gần 10 ha từ trồng điều, bắp rẫy sang trồng bưởi, cùng với đó hỗ trợ bà con kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc. Đến nay, có 8 hộ thoát được nghèo và có thu nhập ổn định từ cây bưởi da xanh.
Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: CVĐ mang tính toàn dân, toàn diện và lâu dài trong công cuộc đổi mới đất nước nói chung và của tỉnh ta nói riêng. Do đó trong thời gian tới, Mặt trận các cấp cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của CVĐ; chú trọng tìm kiếm, xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, sáng tạo, tiêu biểu trong xây dựng NTM; đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, vai trò của CVĐ trong các tầng lớp Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, lan tỏa trong xã hội; bảo tồn, duy trì, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc và kịp tháo gỡ khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện nhằm đáp ứng với các nhiệm vụ, yêu cầu mới hiện nay.
Lê Thi