Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, bám sát chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã tập trung chỉ đạo Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, Trạm Y tế địa phương tiếp tục tập trung triển khai đầu tư và huy động trang thiết bị y tế, trong đó, tập trung quyết liệt cho việc lắp đặt hệ thống oxy cho 3 tầng điều trị; chuẩn bị cơ số thuốc điều trị phù hợp từng tầng theo đúng phác đồ điều trị COVID-19. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11 cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, với tổng số giường được bố trí là 690 giường; 100% trạm y tế đều có oxy y tế; các Trung tâm Y tế huyện, thành phố (tầng 1) đều có oxy bình 40L, máy tạo oxy; các bệnh viên tầng 2 và 3 đều được triển khai đầu tư oxy trung tâm nâng cao năng lực điều trị, phục vụ bệnh nhân COVID-19. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đầu tư nâng cấp hệ thống oxy trung tâm tại Khoa Nội mới từ 6 đầu thở HFNC lên 26 đầu thở HFNC; hệ thống khí cho khu điều trị 50 giường bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. Tỉnh cũng đã đầu tư cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh 1 hệ thống PCR, 5 máy thở chức năng cao, 8 monitor, 5 bơm tiêm điện, 4 máy truyền dịch, 1 máy X-quang kỹ thuật số, 2 máy lọc máu; vận động các nhà tài trợ hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh 10 máy HFNC, 1 máy thở chức năng cao và 500 triệu đồng để nâng cấp hệ thống oxy trung tâm. Bệnh viện Giao thông vận tải Tháp Chàm, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đầu tư hệ thống oxy trung tâm 1 bồn oxy lỏng 10 m3. Ngoài ra, Tập đoàn Trung Nam tài trợ 1 máy ECMO, 1 hệ thống oxy trung tâm; các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã tài trợ vật tư y tế trị giá gần 9 tỷ đồng đáp ứng tốt hơn cho công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Cán bộ y tế phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) trao túi thuốc cho người nhà
bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Mỹ Dung
Cùng với đầu tư trang thiết bị, về thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng được ngành Y tế chủ động hơn. Tỉnh đã đề xuất và Bộ Y tế cấp 100.000 viên thuốc Molnupiravir (tương đương 2.500 liều điều trị cho 2.500 bệnh nhân F0); 4.124 lọ thuốc Remdesivir để phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Thực hiện Chương trình Molnupiravir điều trị bệnh nhân F0 trong cộng đồng có kiểm soát, đến nay tại các cơ sở khám, chữa bệnh và khu cách ly tập trung đã điều trị cho 905 bệnh nhân F0, trong đó có 594 bệnh nhân F0 dùng đủ 5 ngày thuốc, kết quả xét nghiệm RT-PCR: Số bệnh nhân âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 là 376 ca, đạt 71,21%; số bệnh nhân F0 đang chờ kết quả 66; tỷ lệ chuyển tầng điều trị rất thấp (10 ca/905), 0,011%. Kết quả số bệnh nhân F0 sau khi dùng thuốc Molnupiravir có sự cải thiện rất rõ rệt về chỉ số CT, giảm trở nặng, chuyển tầng và không có ca tử vong. Hiện UBND tỉnh đã làm việc trực tiếp với Bộ Y tế, đề xuất cấp bổ sung 5.000 liều thuốc Molnupiravir.
Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc, điều trị các bệnh nhân COVID-19, ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch huy động tất cả các nhân lực, kể cả sinh viên, cán bộ, nhân viên y tế nghỉ hưu, phòng khám tư nhân, bệnh viện tư tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Tham mưu cho tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch... cách ly trường hợp F1 tại nhà và thí điểm điều trị bệnh nhân F0 tại nhà theo hướng phong tỏa từng hộ gia đình, được giám sát kỹ lưỡng, có tổ y tế giám sát thường xuyên theo dõi tư vấn sức khỏe qua mạng, lấy mẫu xét nghiệm theo định kỳ quy định, kết nối thông tin để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh; triển khai túi thuốc F0, công tác an sinh, an ninh trật tự đảm bảo. Kết quả triển khai bước đầu tiến triển khả quan và được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Đồng thời, để giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong, ngành đã chủ động liên hệ với Bộ Y tế, đặc biệt là Bệnh viện Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh đã cử đoàn bác sĩ ra hỗ trợ công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh. Đoàn đã khảo sát các cơ sở điều trị, đề xuất, tham mưu về công tác phòng, chống dịch; chia sẻ kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19, nhằm nâng cao nặng lực điều trị, giúp giảm tỷ lệ tử vong trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Nhờ đó công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 đã được cải thiện rõ rệt. Đến ngày 26-11, toàn tỉnh có 3.546 ca mắc COVID-19, đã có 2.447 ca được điều trị khỏi; tỷ lệ xuất viện ngày càng cao, tỷ lệ tử vong giảm. Qua thống kê, từ ngày 20-10 đến 20-11 có 11 ca tử vong, giảm 54,2% so với tháng trước (từ ngày 19-9 đến 19-10).
Tiếp tục nâng cao năng lực thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, kiểm soát hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, trong thời gian đến, bên cạnh việc đẩy nhanh thực hiện xét nghiệm tầm soát phát hiện ca bệnh; tăng cường tiêm phủ vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo nhanh chóng, an toàn, hoàn thành tiêm chủng đủ 2 mũi cho người dân thuộc đối tượng tiêm chủng trong tháng 11-2021; tỉnh tiếp tục bổ sung các nguồn lực để tăng cường chất lượng điều trị bệnh nhân ngay tại tầng 1, tầng 2, giảm thiểu tình trạng để bệnh nhân chuyển nặng; tổ chức thực hiện đồng bộ công tác phân loại, chuyển tuyến, phù hợp, kịp thời hiệu quả, giảm quá tải cho tầng 3. Tiếp tục bổ sung vật tư, thiết bị cơ bản cho tầng 1 như: Bình oxy, máy thở oxy, máy đo độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2), máy X-quang di động... đầu tư bổ sung hệ thống oxy trung tâm, thuốc điều trị cho tầng 2, tầng 3 và máy lọc máu tại tầng 3. Tăng cường hoạt động các Tổ Nhân dân tự quản để hỗ trợ cho y tế tuyến cơ sở trong công tác quản lý theo dõi bệnh nhân F0 tại nhà. Vận động thực hiện xã hội hóa công tác xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh. Đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện nghiêm quy định “5K”, không lơ là, chủ quan ngay cả khi tiêm đủ liều vắc xin.
Xuân Bính