Theo Sở LĐTBXH, thời gian qua, các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và các Quyết định số 23/2013/2021/QĐ-TTg, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu đời sống của nhân dân lao động, chia sẻ một phần khó khăn cho người sử dụng lao động; đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, tính đến ngày 10-11, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và 64.484 lượt lao động, với kinh phí 90,22 tỷ đồng. Thực hiện chi qua tài khoản cho 25.382 lao động, số tiền 61,77 tỷ đồng; đạt hơn 98% số lượng người lao động được thụ hưởng chính sách. Thực hiện Quyết định số 1415/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, tỉnh đã hoàn thành việc cấp phát gạo cho 38.457 nhân khẩu, với số gạo 577,2 tấn… Mặt khác, đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ Nhân dân kịp thời, đúng đối tượng, cơ bản ổn định đời sống nhân dân, góp phần thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh của địa phương.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại điểm cầu tỉnh ta.
Tại buổi làm việc, tỉnh đã đề xuất Bộ LĐTBXH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu các chính sách cho khoanh nợ BHXH, BHYT, BHTN, miễn lãi phạt chậm nộp đối với nợ đọng BHXH; Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, cho thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 cho người lao động trong thời gian dịch bệnh từ nguồn kinh phí Bảo hiểm y tế để giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp; kiến nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam nghiên cứu có các chính sách chỉ đạo trong hệ thống ngân hàng về hỗ trợ cho doanh nghiệp như hoãn nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất vay nợ...
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ các sở, ngành; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội, Ninh Thuận có nhiều cách làm hay, tuyên truyền đưa thông tin các nội dung chính sách hỗ trợ đến người dân, doanh nghiệp. Để tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, giải quyết chi trả kịp thời chế độ cho người lao động, cũng như làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc thực hiện hỗ trợ người dân kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định, công khai, minh bạch, đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục rà roát đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của các nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có giải pháp tiếp cận doanh nghiệp để hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đối với các chính sách vay vốn từ Ngân hàng CSXH, chính sách BHXH, … Đối với số lao động trở về địa phương từ vùng dịch, cần phân loại, thống kê ngành nghề, trình độ đào tạo để có hướng giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, cần quan tâm kết nối với các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… để phối hợp đưa người lao động quay trở lại làm việc; kết nối với các doanh nghiệp XKLĐ để tuyển dụng, đào tạo đưa đi làm việc ở nước ngoài đối với những người có nhu cầu…Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là phối hợp với Mặt trận các cấp để giám sát việc triển khai thực hiện, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách.
Xuân Nguyên