Theo đó, toàn tỉnh đã xét chọn thí điểm 156 tổ/1.1362 thành viên, bình quân mỗi tổ có 8 thành viên. Đến nay, tổng số Tổ Nhân dân tự quản được củng cố, kiện toàn 2.098 tổ, với gần 65.000 người. Qua thời gian ngắn thực hiện thí điểm mô hình Tổ Nhân dân tự quản, nhìn chung đã phát huy được kết quả bước đầu. Các Tổ đã phát huy được tính tích cực, trách nhiệm trong việc truyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, thực hiện tốt các các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là thực hiện khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế; phối hợp truy vết các F0, F1 tại địa phương; thống kê số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng cụ thể, kể cả những người đã tiêm mũi 1, mũi 2; giám sát số lượng người về và đến địa phương; đồng thời, quản lý các trường hợp F1, F2 và các trường hợp cách ly tại nhà; hỗ trợ lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm…Tuy nhiên, hoạt động của các Tổ Nhân dân tự quản cũng gặp không ít khó khăn, vì kinh phí hoạt động của các tổ ở một số nơi còn hạn chế.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức họp trực tuyến đánh giá kết quả triển khai thực hiện thí điểm mô hình Tổ Nhân dân tự quản.
Kết luận tại cuộc họp, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao kết quả bước đầu của mô hình mang lại. Để phát huy hơn nữa vai trò của các Tổ Nhân dân tự quản, các tổ chức, hội đoàn thể, Mặt trận tiếp tục tăng cường, quán triệt nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu các địa phương về vai trò của Tổ Nhân dân tự quản; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh khi triển khai đại trà mô hình Tổ Nhân dân tự quản trong thời gian tới. Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, thông tin, báo cáo; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tự quản phù hợp với từng địa phương, từng khu dân cư. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp của Nhân dân trong giám sát, kiểm soát dịch COVID-19 ngay từ cộng đồng dân cư.
Kim Thùy