Nhớ lại những ngày đầu mới tham gia công tác hội với vai trò là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Lạc Nghiệp, xã Phước Diêm (Thuận Nam) bà gặp không ít khó khăn do kinh nghiệm không có. Năm 2009, sau khi xã Cà Ná được thành lập, bà đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná. Lúc này, kinh nghiệm đã nhiều hơn nhưng khó khăn vẫn còn đó. Toàn thôn chỉ có 28 chị em tham gia sinh hoạt, số còn lại không mấy “mặn mà”. Nhằm thu hút hội viên, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, bà bắt tay xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, đưa ra nhiều sáng kiến mới thiết thực, gắn với đời sống, nhu cầu của chị em tại địa phương. Chỉ sau 3 tháng, số hội viên phụ nữ đã tăng lên 176 người.
Dấu ấn đầu tiên của bà trong vai trò Chi hội trưởng là mô hình “Góp vốn xoay vòng”. Theo đó, bà đề xuất, mỗi người đóng góp 20.000 đồng/tháng, tạo nguồn vốn để kinh doanh, buôn bán phát triển kinh tế gia đình. Với những công việc cần số vốn lớn, bà tích cực giúp đỡ, hướng dẫn chị em tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, ngày ấy, nguồn vốn vay chủ yếu dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nên những hộ đã thoát nghèo không dễ vay vốn làm ăn. Bà dành không ít công sức và cả uy tín, danh dự của mình để thuyết phục cán bộ ngân hàng tìm hoặc tạo nguồn vốn mới cho những chị em vừa thoát nghèo được vay vốn để tiếp tục vươn lên. Bà Mẫn nhớ lại: Ở thôn Lạc Sơn 1 không ít ngôi nhà, mô hình kinh tế đi lên từ các nguồn vốn này. An cư mới lạc nghiệp, có nơi ăn chốn ở ổn định, bà con yên tâm làm ăn, chị em cũng vì thế mà tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của Hội.
Song song với giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, bà chú ý xây dựng khối đoàn kết giữa các hội viên trong chi hội và cả người dân trong thôn. Hễ có hội viên bị ốm đau, bà lại kết nối chị em cùng đến thăm hỏi, động viên tinh thần. Học tập theo gương Bác Hồ, bà thành lập “Hũ gạo tình thương” để chia sẻ khó khăn với chị em khó khăn, các cụ già neo đơn. Về sau, để tăng tính hiệu quả, bà chuyển đóng góp bằng gạo sang đóng góp số tiền 10.000 đồng/tháng mua những suất quà trao tặng các dịp lễ, Tết. Với những trường hợp ngặt nghèo, tai ương bà chịu khó đi từng nhà, tìm nhiều nguồn khác nhau để quyên góp tiền bạc giúp họ qua cơn hoạn nạn. Tạo được niềm tin, bà trở thành địa chỉ thiện nguyện của người dân thôn Lạc Sơn 1. Ai khó khăn tìm đến bà nhờ giúp đỡ. Ai có tấm lòng muốn sẻ chia với người lại tìm đến bà gửi gắm.
Âm thầm, lặng lẽ, suốt 20 năm qua, bà Mẫn đã kêu gọi số tiền hơn 1,3 tỷ đồng để trao tặng hàng ngàn suất quà cho hội viên phụ nữ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Có không ít người mắc bệnh hiểm nghèo, hoạn nạn đã được bà kêu gọi hỗ trợ với số tiền hàng chục triệu đồng. Ít ai biết rằng, là một cán bộ hội năng nổ, nhiệt tình và thường xuyên làm việc thiện nhưng bà Mẫn không hề biết đạp xe đạp cũng chẳng biết chạy xe máy. Vất vả là thế, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao và tấm lòng yêu thương con người, bà không quản ngại sớm hôm, xa xôi hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Hiện nay, dịch COVID-19 tại tỉnh ta vẫn đang diễn biến phức tạp, bà Mẫn ngày đêm bận rộn tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch. Trong quá trình ấy, bà không quên vận động những suất quà dành để trao tặng, động viên tinh thần các hộ dân nghèo dịp tết Nguyên đán sắp tới.
Ngọc Diệp