Mô tả cây
Cây kha tử còn gọi chiều liêu là cây to cao 15-20m, có vỏ màu đen nhạt trên có những vạch nứt dọc. Lá mọc đối, cuống rất ngắn, hình trứng, phía cuống tròn hơi thon, đầu nhọn, dài chừng 15-20cm, rộng 7-15cm, dai, hơi có lông mềm trên cả hai mặt, sau thì nhẵn, ở đầu cuống có hai tuyến nhỏ hình mắt cua. Hoa mọc thành bông, nhỏ, màu trắng, lưỡng tính, mùi thơm, mọc ở đầu cành hay kẽ lá, cuống ngắn, trên có phủ lông màu vàng nhạt. Quả hình trứng thon, dài 3-4cm, rộng 22-25mm, hai đầu tù, không có dìa, có 5 cạnh dọc màu nâu vàng nhạt, thịt đen nhạt, khô, cứng và chắc. Hạch cứng, hơi hình 5 cạnh, dày chừng 10-15mm, 1 hạt, lá mầm cuốn.
Công dụng và liều dùng
Kha tử là một vị thuốc chuyên dùng chữa lỵ kinh niên, chữa ho mất tiếng, di tinh, mồ hôi trộm, trĩ, lòi dom, xích bạch đới.
Ngày uống 3-6g dưới dạng thuốc sắc, thuốc viên.
Còn dùng trong kỹ nghệ thuộc da.
Đơn thuốc có kha tử
Chữa xích bạch lỵ: Kha tử 12 quả, 6 quả để sống, 6 quả nướng bỏ hạt, sao vàng tán nhỏ. Nếu lỵ ra máu thì dùng nước sắc cam thảo mà chiêu thuốc.
Chữa ho lâu ngày: Kha tử 4g, đảng sâm 4g, sắc với 400ml nước cô đặc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Đức Doãn (Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)