Còn gọi là dưa đỏ tây qua, thủy qua, hàn qua, hạ qua. Thuộc họ Bầu bí.
Mô tả cây
Cỏ sống hằng năm, mọc bò, thân có lông nhất là ở ngọn và các đốt. Lá xẻ thùy 3 đến 5, xẻ sâu, mỗi thùy cũng lại chia thùy nữa. Tua cuốn có 2-3 nhánh. Hoa đơn tính, cùng gốc, màu vàng, to. Hoa đực đơn độc, đài hình vuông, tràng 5, nhị 3 (do 4 nhị dính từng đôi, 1 cái rời). Hoa cái có đài, tràng giống hoa đực, 3 nhị lép dạng chi, bầu dưới, 3 ô, vòi nhụy ngắn, 3 đầu nhụy hình thận dài. Quả hình cầu hay hình trứng, vỏ nhẵn bóng, màu lục đen, nhiều khi có vân sẫm, đường kính tới 30-40cm, thịt quả đỏ hay vàng đỏ rất nhiều nước, ngọt. Hạt dẹp, bóng láng hay nhám mờ màu đen nhạt hay đỏ.
Mùa quả ở miền Bắc từ tháng 4 đến tháng 7, ở các tỉnh miền Nam từ tháng 1 đến tháng 3-4 (trước và sau tết âm lịch).
Công dụng và liều dùng.
Quả dưa hấu được dùng chủ yếu trong dân gian làm thức ăn bổ và mát vào mùa hè (tết ở miền Nam vào đúng những ngày nóng nực), hạt rang lên ăn hay dùng làm bánh mứt kẹo.
Trong y học học cổ truyền dân gian, người ta coi dưa hấu có vị ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng thanh khử, giải nhiệt, lợi tiểu, dùng trong những trường hợp huyết áp cao, nóng trong bàng quang, đái buốt, viêm thận, phù thũng, vàng da, đái tháo đường, say rượu, cảm sốt, phiền khát. Ngày dùng 10-40g vỏ quả giữ hoặc vỏ quả ngoài (tây qua bì) dưới dạng thuốc sắc: Thêm nửa lít nước vào đun sôi giữ sôi trong 15 phút rồi uống thay nước trong ngày.
Đơn thuốc có vỏ dưa hấu
1. Chữa đi tiêu chảy: Vỏ dưa hấu khô 20g, nước 500ml sắc còn 300ml, chia 3-4 lần uống trong ngày.
2. Chữa cảm sốt, váng đầu, mắt hoa, nhiều mồ hôi: Tây qua bì 20g, hoa hay cành kim ngân 20g, trúc diệp 10g nước 500ml, đun sôi, giữ sôi 15 phút. Chia 3 lần uống trong ngày.
Đức Doãn (Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)