Theo báo cáo của Bộ Công Thương, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, một số ngành, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ trong đó có nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Việc phải đóng cửa hệ thống các chợ đầu mối lớn và hệ thống chợ truyền thống tại TP. Hồ Chí Minh làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thu mua của hệ thống thương lái, ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông và tiêu thụ lượng hàng nông sản, thủy sản của các tỉnh, thành phố phía Nam.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta.
Tại các vùng có dịch, các thương lái thu mua và nhân công gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển giữa các địa phương, hoạt động vận chuyển hàng hóa nông sản tăng chi phí, mất nhiều thời gian và chậm hơn so với giai đoạn dịch chưa bùng phát. Hiện nay, khối lượng nông sản, thủy sản vào vụ thu hoạch cần kết nối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu của các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên rất lớn, như sản lượng gạo hàng hóa toàn vùng phía Nam và Tây Nguyên cần tiêu thụ khoảng 3,7 triệu tấn; sản lượng rau toàn vùng phía Nam cần tiêu thụ khoảng 3,7 triệu tấn; sản lượng 14 cây ăn quả chủ lực toàn vùng cần tiêu thụ khoảng 4,1 triệu tấn; trong đó: xoài 355 nghìn tấn, chuối 563 nghìn tấn, thanh long 1.015 nghìn tấn, dứa 246 nghìn tấn, bưởi 335 nghìn tấn, chôm chôm 164 nghìn tấn,…; thủy - hải sản cần kết nối tiêu thụ hiện nay khoảng 112 nghìn tấn; thịt lợn hơi khoảng 76 nghìn tấn, thịt gà khoảng 1.500 tấn, trứng trên 400 triệu quả...
Sau khi nghe lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp báo cáo cụ thể tình hình sản xuất, thị trường của địa phương, đơn vị mình. Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương, chủ động phối hợp triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi, hỗ trợ thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, phát triển thị trường nông sản, thủy sản, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả. Tăng cường chỉ đạo, điều hành và hỗ trợ bằng các chính sách cụ thể; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương tiêu thụ nông sản qua hệ thống phân phối trong nước và qua kênh thương mại điện tử, các nền tảng số; nâng cao chất lượng công tác thu thập thông tin, dự báo diễn biến thị trường, điều chỉnh nguồn cung phù hợp với diễn biến dịch bệnh; phát huy vai trò của hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư y tế, các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá.
Hồng Nguyệt