Tin kinh tế tổng hợp

* Giá vàng sáng 5/8 tiếp tục giảm 400.000 đồng/lượng

Lúc 8 giờ 30 phút tại Hà Nội, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,55 - 57,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC giữ nguyên ở chiều mua vào và giảm 400.000 đồng/lượng ở chiều bán so với chốt phiên hôm qua, ở mức 56,3 - 57,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường thế giới, trong phiên giao dịch 4/8, giá vàng kỳ hạn tại Sàn giao dịch hàng hóa New York tăng nhẹ, do số liệu việc làm ở khu vực tư nhân của Mỹ yếu hơn dự kiến.

Giá vàng giao tháng 12/2021 tăng 0,4 USD, tương đương 0,02%, đóng cửa ở mức 1.814,5 USD/ounce.

* Sáng 5/8, tỷ giá trung tâm giảm 2 đồng

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 5/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.164 VND/USD, giảm 2 đồng so với hôm qua.

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.860 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.468 VND/USD.

Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay giá USD và đồng Nhân dân tệ (NDT) có xu hướng tăng.

Lúc 8 giờ 30 phút, giá đồng bạc xanh tại BIDV tăng 30 đồng ở chiều bán ra và giữ nguyên ở chiều mua vào so với hôm qua, được niêm yết ở mức 22.840 - 23.040 VND/USD (mua vào - bán ra).

Giá đồng NDT tại BIDV được niêm yết ở mức 3.497 - 3.600 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 2 đồng ở chiều mua vào và 3 đồng ở chiều bán ra so với hôm qua.

* Giá dầu thế giới chạm mức thấp nhất kể từ ngày 20/7

Giá dầu thế giới giảm phiên thứ ba liên tiếp và chạm mức thấp nhất hai tuần trong ngày giao dịch 4/8.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 2,41 USD (3,4%), xuống 68,15 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London của Anh, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng hạ 2,03 USD (2,8%), xuống 70,38 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa thấp nhất của cả hai loại dầu này kể từ ngày 20/7.

* Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.456 tỷ đồng

Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17h00 ngày 4/8, quỹ đã tiếp nhận được 8.456 tỷ VND (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi).

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Số tiền đã chuyển vào quỹ kể trên do 502.528 tổ chức, cá nhân tham gia đóng.

Hiện nay, Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã mở 22 tài khoản tiếp nhận cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và 7 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, MB, Agribank và TPBank.

Việc quản lý, sử dụng quỹ, mở tài khoản tiền gửi Kho bạc Nhà nước được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, số tiền ủng hộ được Kho bạc Nhà nước tổng hợp và thông tin rộng rãi hằng ngày.

* Người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine COVID-19 chỉ phải cách ly tập trung 7 ngày

Ngày 4/8, Bộ Y tế có Công văn số 6288/BYT-MT về việc giảm thời gian cách ly y tế tập trung đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Bộ Y tế cho biết, thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19; trên cơ sở ý kiến của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) tại Việt Nam, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) hướng dẫn một số nội dung về cách ly y tế đối với người được phép nhập cảnh Việt Nam đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.

Cụ thể, thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày (đang áp dụng 14 ngày) và tiếp tục theo dõi y tế trong 7 ngày tiếp theo (trừ trường hợp người nhập cảnh vào làm việc dưới 14 ngày và các trường hợp nhập cảnh cách ly theo quy định khác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế) đối với người nhập cảnh đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận; đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh) và có giấy chứng nhận tiêm chủng; hoặc đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 (có giấy chứng nhận xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu đơn không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh) và có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp.

* Huy động hơn 32.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trên thị trường sơ cấp, qua 22 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ được tổ chức tại HNX trong tháng 7/2021 đã thu về hơn 32.500 tỷ đồng; trong đó, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 28.061 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 4.500 tỷ đồng.

So với cuối tháng 6/2021, lãi suất trúng thầu của trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành tại các kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm và 15 năm giảm từ 0,03-0,04%/năm; lãi suất trúng thầu kỳ hạn 20 năm, 30 năm tiếp tục ổn định và giữ lần lượt ở mức 2,91%/năm và 3,05%/năm.

Trên thị trường giao dịch thứ cấp, tính đến hết 30/7/2021, thị trường trái phiếu Chính phủ tại HNX có tổng dư nợ đạt 1,37 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 1,48% so với cuối năm 2020.

Tổng giá trị giao dịch trái phiếu Chính phủ tháng 7 đạt 204.135 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 9.278 tỷ đồng/phiên, giảm 24,6% so với tháng 6/2021; trong đó, giá trị giao dịch Repos (mua bán lại) chiếm 29,58% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

* Hòa lưới thành công 80 MW của tổ máy H5 Đa Nhim

Vào lúc 08 giờ sáng nay, 4/8/2021, tổ máy H5 thuộc Dự án mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim đã hòa lưới điện quốc gia thành công với công suất thiết kế 80 MW.

Dự án mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim được khởi công xây dựng ngày 12/12/2015 với công suất thiết kế 80 MW bao gồm xây dựng mới các hạng mục cửa nhận nước, đường hầm dẫn nước, tháp điều áp, nhà van, đường ống áp lực, nhà máy thủy điện, trạm phân phối…trên cơ sở tận dụng hồ chứa Đơn Dương và đập tràn hiện hữu.

Với sự kiện hòa lưới thành công tổ máy H5 với đủ công suất thiết kế 80 MW, Nhà máy thủy điện Đa Nhim có tổng công suất 240 MW, góp phần tích cực trong việc bổ sung công suất cho lưới điện quốc gia vào giờ thấp điểm.

Kể từ khi đi vào vận hành năm 1964 đến nay, nhà máy thủy điện Đa Nhim luôn là nguồn điện ổn định cho khu vực Nam Trung Bộ và là nguồn nước dồi dào cho đồng bằng tỉnh Ninh Thuận.

* 106 nhà máy điện gió đăng ký đóng điện và hòa lưới

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết ngày 3/8, đã có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại.

Tổng công suất đăng ký thử nghiệm vận hành thương mại của 106 nhà máy điện gió này là hơn 5.655 MW.

* BIDV nhận giải “Ngân hàng lưu ký - giám sát tốt nhất Việt Nam 2021”

Ngày 03/08/2021, trong khuôn khổ “Chương trình trao giải trực tuyến về lĩnh vực giao dịch tài chính 2021”, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã được Tạp chí The Asian Banker vinh danh là “Ngân hàng lưu ký – giám sát tốt nhất Việt Nam năm 2021” (Best Custodian Bank in Vietnam).

Đây là lần đầu tiên một ngân hàng Việt Nam được nhận giải thưởng này từ The Asian Banker. Giải thưởng “Best Custodian Bank” được đánh giá độc lập, kéo dài hơn 3 tháng bởi các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, đánh giá hơn 250 tổ chức tài chính ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tiêu chí đánh giá bao gồm: đánh giá hiệu quả hoạt động, nền tảng công nghệ, dịch vụ cung cấp và phương pháp quản lý rủi ro trong việc quản lý, lưu ký và giám sát tài sản khách hàng và các giải pháp ứng phó với đại dịch COVID-19. Giải thưởng ghi nhận những nỗ lực và thành tích của BIDV trong việc bắt kịp xu hướng thị trường, cung cấp dịch vụ toàn diện và khả năng tự chủ của hệ thống công nghệ. Giải thưởng này một lần nữa củng cố vị thế số 1 của BIDV trong số các ngân hàng lưu ký - giám sát nội địa.

Là ngân hàng đầu tiên được cấp giấy phép hoạt động lưu ký vào năm 2003, đến nay, BIDV đã có gần 20 năm kinh nghiệm hoạt động trong mảng dịch vụ Ngân hàng lưu ký – giám sát và luôn duy trì vị thế số 1 trong số các ngân hàng lưu ký nội địa với quy mô tài sản lưu ký lớn nhất (trên 300 nghìn tỷ đồng) và tăng trưởng bình quân 50%/năm. BIDV là ngân hàng duy nhất trên thị trường cung cấp dịch vụ toàn diện, trọn gói cho các nhà đầu tư, danh mục uỷ thác đầu tư cũng như cho tất cả các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, như quỹ thành viên, quỹ đóng, quỹ mở, quỹ hoán đổi danh mục (ETF), quỹ đầu tư bất động sản, và sắp tới là quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.

* Người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine COVID-19 chỉ phải cách ly tập trung 7 ngày

Ngày 4/8, Bộ Y tế có Công văn số 6288/BYT-MT về việc giảm thời gian cách ly y tế tập trung đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Bộ Y tế cho biết, thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19; trên cơ sở ý kiến của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) tại Việt Nam, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) hướng dẫn một số nội dung về cách ly y tế đối với người được phép nhập cảnh Việt Nam đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.

Cụ thể, thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày (đang áp dụng 14 ngày) và tiếp tục theo dõi y tế trong 7 ngày tiếp theo (trừ trường hợp người nhập cảnh vào làm việc dưới 14 ngày và các trường hợp nhập cảnh cách ly theo quy định khác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế) đối với người nhập cảnh đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận; đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh) và có giấy chứng nhận tiêm chủng; hoặc đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 (có giấy chứng nhận xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu đơn không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh) và có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp.

* WHO kêu gọi “các nước giàu” tạm dừng tiêm nhắc lại vaccine Covid-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4/8 kêu gọi tạm dừng việc tiêm nhắc lại vaccine ngừa Covid-19 cho tới ít nhất cuối tháng 9, trong bối cảnh khoảng cách về tiêm chủng giữa các nước giàu và các nước nghèo ngày càng rộng.

Theo hãng tin Reuters, lời kêu gọi trên là phát ngôn mạnh mẽ nhất mà một cơ quan thuộc Liên hiệp quốc đưa ra tính đến thời điểm này liên quan đến việc các quốc gia cân nhắc về sự cần thiết phải tiêm nhắc lại để chống biến chủng Delta.

Theo dữ liệu của WHO, vào thời điểm tháng 5, các nước thu nhập cao tiêm khoảng 50 mũi vaccine/100 dân, và con số này đến nay đã tăng gấp đôi. Trong khi đó, các nước thu nhập thấp đến hiện tại vẫn chỉ tiêm được với tốc độ 1,5 mũi/100 dân, do thiếu nguồn cung vaccine.