Tin kinh tế tổng hợp

* Giá vàng trong nước tăng 50.000 đồng/lượng

Cụ thể, lúc 8 giờ 45 phút tại Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,65 - 57,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC giữ nguyên niêm yết so với chốt phiên hôm qua, ở mức 56,6 - 57,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường thế giới, tại Sàn giao dịch hàng hóa New York, giá vàng kỳ hạn giảm trong phiên 3/8, trong khi các chỉ số chứng khoán Mỹ lên điểm. Hợp đồng vàng giao tháng 12/2021 được giao dịch nhiều nhất giảm 8,1 USD, hay 0,44%, chốt phiên ở mức 1.814,1 USD/ounce.

* Sáng 4/8, tỷ giá trung tâm giảm 10 đồng

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 4/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.166 VND/USD, giảm 10 đồng so với hôm qua.

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.862 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.470 VND/USD.

Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay, giá USD biến động trái chiều còn giá Nhân dân tệ (NDT) tiếp tục giảm.

Lúc 8 giờ 30 phút, giá USD tại Vietcombank được điều chỉnh giảm 10 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với hôm qua, ở mức 22.810 - 23.040 VND/USD (mua vào - bán ra).

Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.474 - 3.620 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 4 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với hôm qua.

* Giá dầu thế giới giảm phiên 3/8

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 48 xu Mỹ (0,66%) xuống 72,41 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 70 xu Mỹ (0,98%) xuống 70,56 USD/thùng.

Những lo ngại về số ca mắc COVID-19 gia tăng tại Trung Quốc và Mỹ, những nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, đã tác động lên giá, khiến giá hai hợp đồng dầu chủ chốt này có thời điểm giảm hơn 3% giá trị.

* Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.451 tỷ đồng

Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17h00 ngày 3/8, quỹ đã tiếp nhận được 8.451 tỷ VND (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi).

Số tiền đã chuyển vào quỹ kể trên do 500.906 tổ chức, cá nhân tham gia đóng.

Theo Bộ Tài chính để tiêm được cho 75 triệu dân, nguồn lực cần khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó ngân sách đã chuẩn bị được hơn 14.000 tỷ đồng và cần thêm khoảng 11.000 tỷ đồng.

* Phân bổ thêm gần 980.000 liều vaccine cho TP.HCM, gần 700.000 liều cho Hà Nội

Bộ Y tế vừa quyết định bổ sung thêm gần 980.000 liều vaccine Covid-19 cho TP.HCM và gần 700.000 liều cho Hà Nội. Tính đến nay, TP.HCM là địa phương được phân bổ nhiều nhất với 4.075.270 liều, tỷ lệ phân bổ vaccine trên dân số từ

Tính đến nay, TP.HCM là địa phương được phân bổ nhiều nhất với 4.075.270 liều (bao gồm cả số lượng vaccine phân bổ cho các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vaccine trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 29%.

Tiếp theo, TP. Hà Nội đã được phân bổ 2.943.770 liều (bao gồm cả số lượng vaccine phân bổ cho các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vaccine trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 26%.

Bổ sung 1.000 tỷ đồng vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành quyết định về việc bổ sung kinh phí thường xuyên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2021.

Theo quyết định này, bổ sung 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự toán chi các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và các nhiệm vụ thuộc các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 được tiếp tục triển khai giai đoạn 2021 - 2025, để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2021 (phần kinh phí thường xuyên) như đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 8050/BTC-NSNN ngày 21/7/2021.

Cụ thể, kinh phí bổ sung cho 20 bộ, cơ quan trung ương là 59,525 tỷ đồng, trong đó, nhiều nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 24 tỷ đồng, tiếp đến là Kiểm toán Nhà nước hơn 8,4 tỷ đồng.

Kinh phí bổ sung có mục tiêu cho 51 địa phương là 940,475 tỷ đồng, trong đó Thanh Hóa được bổ sung nhiều nhất: 91,3 tỷ đồng, Nghệ An được bổ sung 60 tỷ đồng, Phú Thọ 47,3 tỷ đồng…

* Ngành Hải quan thu ngân sách hơn 34.000 tỷ đồng trong tháng 7

Tháng 7/2021, số thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan đạt 34.135 tỷ đồng. Đây là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Theo Tổng cục Hải quan, với kết quả trong tháng 7 nâng tổng thu ngân sách của toàn Ngành trong 7 tháng đầu năm đạt 230.538 tỷ đồng bằng 73,2% dự toán, bằng 69,6% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 31,53% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 53,5 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước.

Trong đó xuất khẩu ước đạt 26 tỷ USD, giảm 4,4% và nhập khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, giảm 0,6%.

So với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 371,16 tỷ USD, tăng mạnh 29,5%.

Trong đó xuất khẩu ước đạt 184,33 tỷ USD, tăng 24,8% và nhập khẩu ước đạt 186,83 tỷ USD, tăng 34,4%.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7 ước tính thâm hụt 1,5 tỷ USD. Qua đó, nâng mức thâm hụt trong 7 tháng đầu năm lên 2,5 tỷ USD, ngược lại với con số xuất siêu 8,7 tỷ USD của 7 tháng đầu năm trước.

Bộ Công Thương khuyến cáo người tiêu dùng khi mua kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2

Lợi dụng tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, trên mạng xã hội và các website, ứng dụng thương mại điện tử rao bán bộ kit test nhanh COVID-19 với giá từ 300.000 đồng đến 800.000 đồng...

Các chủ hàng quảng cáo mặt hàng xuất xứ từ nhiều nước như Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Theo quảng cáo, các bộ kit này có kết quả nhanh, việc lấy mẫu cũng được người bán quảng cáo là "cực kỳ dễ dàng"… Tuy nhiên, các kit test trên chủ yếu là hàng trôi nổi, xách tay không có hóa đơn chứng từ, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương.

Trước đó, ngày 01/8/2021, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên mua các bộ test nhanh được rao bán trên mạng, không có tên trong danh mục (16 loại kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2) được Bộ Y tế cấp phép.

* Hơn 48.000 doanh nghiệp tham gia Cơ chế một cửa quốc gia

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 7 vừa qua, số hồ sơ được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia xấp xỉ 80.000 hồ sơ, với khoảng gần 800 doanh nghiệp tham gia.

Hơn 48.000 doanh nghiệp tham gia Cơ chế một cửa quốc gia

Lũy kế từ khi triển khai đến hết tháng 7, có 226 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với xấp xỉ 3,97 triệu hồ sơ của gần 48.500 doanh nghiệp.

Ngoài vận hành hệ thống và phối hợp với các bộ, ngành xử lý thủ tục của cộng đồng doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan - Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) đang hoàn thiện nội dung thuyết minh về giải pháp và định hướng xây dựng Đề án tổng thể xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai NSW, ASW theo định hướng xử lý tập trung.

Đồng thời, xây dựng chương trình, chuẩn bị tài liệu họp trực tuyến của Ủy ban 1899.

* Samsung mất ngôi vương tại thị trường điện thoại thông minh châu Âu

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics (Mỹ), trong quý II/2021, hãng sản xuất sản phẩm điện tử tiêu dùng Samsung Electronics (Hàn Quốc) đã rơi xuống vị trí thứ hai trên thị trường điện thoại thông minh châu Âu, khi công ty sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi vươn lên vị trí dẫn đầu.

Báo cáo trên cho biết Samsung chiếm 24% thị phần trong giai đoạn từ tháng 4-6/2021 với doanh số 12 triệu điện thoại thông minh tại châu Âu, giảm 7% so với một năm trước đó. “Gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc này là đơn vị duy nhất trong số năm nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu châu Âu chứng kiến doanh số sụt giảm so với một năm trước đó.

Trong quý trước, Xiaomi đã vượt qua Samsung để lần đầu tiên trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu ở châu Âu, với doanh số 12,7 triệu điện thoại thông minh. Số liệu này tăng 67,1% so với một năm trước và giúp nâng thị phần của Xiaomi lên 25,3%.

Xếp sau Samsung, Apple Inc. đứng ở vị trí thứ ba với thị phần 19,2% sau khi doanh số điện thoại iPhone tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 9,6 triệu chiếc.

Thị trường điện thoại thông minh châu Âu trong quý II/2021 đã tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm ngoái lên 50 triệu chiếc, nhờ đà phục hồi kinh tế, nhu cầu “đổi dế” của người tiêu dùng.