* Giá vàng trong nước sáng 3/8
Lúc 8 giờ 45 phút tại Hà Nội, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,5 - 57,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên hôm qua.
Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý giá vàng SJC giữ nguyên niêm yết so với chốt phiên hôm qua, ở mức 56,5 - 57,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường thế giới, giá vàng đi lên trong phiên giao dịch đầu tuần 2/8, do ảnh hưởng từ sự suy yếu của đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ.
Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch COMEX ở New York, giá vàng giao ngay tăng 0,1%, lên 1.816,1 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,3%, lên 1.822,20 USD/ounce.
* Tỷ giá trung tâm sáng 3/8 giảm 4 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 3/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.176 VND/USD, giảm 4 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.872 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.480 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay giá đồng USD và đồng Nhân dân tệ (NDT) đồng loạt giảm.
Lúc 8 giờ 30 phút, giá USD tại Vietcombank được điều chỉnh giảm 5 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với hôm qua, ở mức 22.820 - 23.050 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.478 - 3.624 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 3 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với hôm qua.
* Giá dầu thế giới giảm hơn 3% trong phiên 2/8
Phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,52 USD (hoặc 3,3%) xuống 72,89 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng lùi 2,69 USD (tương đương 3,6%) và khép phiên thấp hơn ở mức 71,26 USD/thùng.
* Việt Nam nhận 415.000 liều vaccine phòng Covid-19 do Chính phủ Anh tặng
Sáng 3/8, ông David McNaught, Tham tán Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam đã trao 415.000 liều vaccine AstraZeneca do Chính phủ Anh tài trợ giúp Việt Nam chống dịch Covid-19.
415.000 liều vaccine AstraZeneca do Chính phủ Anh tài trợ được bảo quản tại kho vaccine của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Bộ Y tế trân trọng cảm ơn Chính phủ Anh tặng Việt Nam 415.000 liều vaccine phòng Covid-19 của hãng Astrazeneca sản xuất tại Anh. Đây là món quà hết sức quý báu và kịp thời trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đặc biệt là cho Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam.
Ngoài hỗ trợ trực tiếp cho các nước, những đóng góp của Vương quốc Anh cho Cơ chế COVAX mang lại ý nghĩa vô cùng to lớn, nhằm tạo điều kiện tiếp cận vaccine phòng Covid-19 công bằng cho các quốc gia.
* Vinamilk hỗ trợ quà tặng trợ giá mùa dịch lên gần 170 tỷ đồng
Cụ thể, từ ngày 1/8/2021 đến hết ngày 31/8/2021, Vinamilk sẽ triển khai chương trình hỗ trợ người tiêu dùng bằng hàng triệu sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu. Theo đó, hàng triệu sản phẩm dinh dưỡng của Vinamilk sẽ được trợ giá lên đến hơn 60.000 đồng trên một đơn vị sản phẩm thông qua việc tặng thêm quà là các sản phẩm cùng loại. Chương trình được thực hiện trên 63 tỉnh, thành cả nước, với tổng giá trị gói hỗ trợ là gần 170 tỉ đồng.
Đây cũng là hoạt động được Vinamilk triển khai nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Công ty với mong muốn san sẻ phần nào những khó khăn trong dịch bệnh và tri ân người tiêu dùng cả nước đã luôn ủng hộ, tin yêu Vinamilk trong suốt 45 năm qua. Sự hỗ trợ thiết thực về những sản phẩm dinh dưỡng cần thiết trong giai đoạn này cũng chính là “món quà sức khỏe” Vinamilk mong muốn gửi tặng đến với mọi gia đình, mọi người dân, góp phần vì một Việt Nam khoẻ mạnh, vươn cao.
* Công bố gói hỗ trợ viễn thông trị giá gần 10.000 tỷ đồng
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, được sự thống nhất của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ TT&TT đã khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) viễn thông nghiên cứu, đề xuất phương án hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Ngày 2/8, với sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ TT&TT, các DN viễn thông như Viettel, VNPT, Mobifone, CMC, FPT, Vietnamobile, SCTV đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này sẽ được triển khai từ ngày 5/8 và kéo dài trong 3 tháng. Các hình thức hỗ trợ sẽ bao gồm:
Đối với khách hàng trên toàn quốc: Tiếp tục tăng 2 lần băng thông cho dịch vụ internet cáp quang với giá không đổi nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu học tập, làm việc trực tuyến tại nhà; miễn phí truy cập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế, ứng dụng Bluezone; tặng thêm 50% dung lượng data cho tất cả các gói cước mà khách hàng đang sử dụng hoặc đăng ký mới với giá không đổi; giảm giá tới 50% đối với các gói cước data VX3, VX7, cụ thể gói VX3 (6GB/3 ngày) giảm từ 20.000 đồng còn 10.000 đồng, gói VX7 (10GB/7 ngày) giảm từ 35.000 đồng còn 20.000 đồng.
Các DN Viettel, VNPT, Mobifone cũng sẽ tiếp tục đóng góp vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 từ việc trích 5.000 đồng với mỗi gói cước VX3/VX7 được đăng ký/gia hạn thành công.
Đối với khách hàng ở các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, tặng 50 phút gọi nội mạng.
Bên cạnh các hỗ trợ về dịch vụ viễn thông như trên, trong thời gian tới, các DN Viettel, VNPT, FPT, CMC sẽ chung tay cùng Bộ TT&TT ra mắt 17 nền tảng mới nhằm hỗ trợ người dân trong công tác phòng, chống dịch với giá trị ước tính gần 2.000 tỷ đồng.
* Vingroup nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine mRNA phòng Covid-19
Tập đoàn Vingroup đã ký kết với Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19.
Arcturus Therapeutics (Mỹ) là đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine phòng Covid-19 theo công nghệ mRNA – một trong những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.
Theo thoả thuận, Arcturus sẽ cấp giấy phép độc quyền và Công ty cổ phần Công nghệ sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup) tiến hành sản xuất vaccine phòng Covid-19 có tên VBC-COV19-154 (dựa trên sáng chế vaccine ARCT-154 của Arcturus). Vaccine này có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Delta (Ấn Độ), Alpha (Anh), Beta (Nam Phi), Gamma (Brazil)…
Đồng thời, Arcturus sẽ tiến hành chuyển giao cho VinBioCare quy trình sản xuất, bao gồm: Bí quyết công nghệ; đào tạo, chuyển giao, thực hành và kiểm định sản phẩm; cung cấp nguyên liệu đầu vào theo công nghệ độc quyền của Arcturus. Tiến độ chuyển giao dự kiến từ đầu tháng 8/2021.
VinBioCare cũng được Arcturus cấp quyền sản xuất tất cả vaccine phòng Covid-19 khác của hãng như ARCT-021 (1 mũi) và các vaccine trong tương lai để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.
Nhà máy sản xuất vaccine của VinBioCare sẽ đặt tại Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart tại Khu công nghiệp Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD; công suất 200 triệu liều mỗi năm.
Theo lộ trình, tháng 8/2021, VinBioCare sẽ phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và đào tạo của Bộ Y tế đưa vaccine VCB-COV19-154 vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam trên quy mô 20.000 người.
Tháng 12/2021, VinBioCare dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Y tế xin cấp phép khẩn cấp có điều kiện để sử dụng VCB-COV19-154 tại Việt Nam. Dự kiến, lô vaccine đầu tiên sẽ được xuất xưởng vào đầu năm 2022.
* Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới
Trang tin fashionunited.de ngày 2/8 dẫn số liệu thống kê mới nhất về thương mại thế giới năm 2021, do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố, cho biết Việt Nam đã vượt Bangladesh trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới.
Trong năm 2020, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam tăng trưởng 6,4% với giá thị trường đạt 29 tỷ USD. Trong 10 năm qua, thị phần của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu đã gia tăng mạnh mẽ. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực hàng may mặc của Bangladesh đã giảm từ 6,8% xuống còn 6,3% trong năm 2020. Với số liệu này, Việt Nam đã vượt qua Bangladesh về xuất khẩu hàng may mặc, chỉ đứng sau Trung Quốc - quốc gia có thị phần chiếm 31,6% (giảm 7% trong năm 2020), với giá trị xuất khẩu đạt 142 tỷ USD.
* Quĩ Tiền tệ Quốc tế thông qua gói hỗ trợ lớn nhất lịch sử để giúp các nước đương đầu với COVID-19
Ngày 2/8 (theo giờ Mỹ), Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua một gói hỗ trợ nguồn tài chính lớn nhất lịch sử tổ chức này, trị giá lên tới 650 tỷ USD, để giúp các nước đang đối mặt với tình trạng nợ gia tăng và sụt giảm kinh tế vì đại dịch COVID-19.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi IMF tung gói cứu trợ 250 tỷ USD, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, tổ chức cho vay lớn nhất thế giới này áp dụng quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Theo thông cáo trên, việc phân bổ SDR trị giá 650 tỷ USD này sẽ có hiệu lực từ ngày 23/8 tới.
PB(Tổng hợp)