* Giá vàng sáng 2/8 tăng 200.000 đồng/lượng
Lúc 8 giờ 45 phút tại Hà Nội, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC tăng 140.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua, ở mức 56,66 - 57,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trong khi đó, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,55 - 57,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên cuối tuần qua.
* Sáng 2/8, giá USD biến động trái chiều
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 2/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.180 VND/USD, không đổi so với cuối tuần qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.876 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.484 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng 2/8, giá đồng USD biến động trái chiều, trong khi giá đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm nhẹ.
Lúc 8 giờ 30 phút, giá USD tại Vietcombank được điều chỉnh tăng 5 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần qua, ở mức 22.825 - 23.055 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.481 - 3.627 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 2 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần qua.
* Chính phủ chỉ đạo giảm giá nước sinh hoạt cho người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19
Ngày 1/8, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 5257/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xem xét, điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Việc này nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biễn phức tạp.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền và quy định pháp luật, khẩn trương xem xét, thực hiện điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ cho người dân và các đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
* EVN gấp rút giảm giá điện đợt 4 cho người dân
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, để khẩn trương thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4, EVN đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các tổng công ty điện lực, các công ty điện lực, các trung tâm chăm sóc khách hàng sớm rà soát, chuẩn bị và triển khai các công việc liên quan.
Ảnh: Minh họa.
Theo ước tính sơ bộ, tổng số tiền giảm giá điện, giảm tiền điện của đợt 4 này là khoảng 2.500 tỷ đồng.
Như vậy đến nay, mặc dù EVN cũng gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 nhưng trên tinh thần tích cực chia sẻ với những khó khăn của các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch bệnh và các cơ sở cách ly, cơ sở y tế phòng chống dịch, Tập đoàn này đã kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để cho phép thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện trong 4 đợt trong các năm 2020 và 2021 với tổng số tiền là hơn 16.300 tỷ đồng.
* Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 7 giảm 22,8%
Tổng cục Thống kê vừa cho biết, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ở một số tỉnh và thành phố thực hiện giãn sách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đã ảnh hưởng đến tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong tháng 7/2021, cả nước có 8.740 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 122.800 tỷ đồng và số lao động đăng ký 71.200 người, giảm 22,8% về số doanh nghiệp, giảm 25,3% về vốn đăng ký và giảm 0,9% về số lao động so với tháng 06/2021.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,3% so với tháng trước và giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2021, cả nước có 75.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.065,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 555.500 lao động, tăng 0,8% về số doanh nghiệp, tăng 13,8% về vốn đăng ký và giảm 7,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.366,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 27.600 doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2021 là 2.432,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, còn có 29.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2021 là 105.400 doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có gần 15.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong 7 tháng năm nay, có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020.
* Kia ra mắt mẫu ô tô chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên
Kia Corp, nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai của Hàn Quốc, ngày 2/8 đã ra mắt mẫu ô tô sedan EV6 chạy hoàn toàn bằng điện cho thị trường trong nước trước khi ra mắt sản phẩm ra thị trường quốc tế vào năm nay.
Kia có hai phiên bản cho EV6, gồm một mẫu xe có bộ pin 58 KWh tiêu chuẩn và một mẫu xe có bộ pin 77,4 KWh có thể chạy quãng đường xa hơn. Các mẫu ô tô có bộ pin 58 kWh và 77,4 kWh có thể di chuyển quãng đường tương ứng 370 km và 475 km sau một lần sạc.
Một xe EV6 có giá từ 47 -57 triệu won (40.800- 49.500 USD) tại Hàn Quốc. Với các khoản trợ cấp từ chính phủ, mức giá bán của EV6 có thể xuống dưới 40 triệu won.
Theo thông tin từ Kia, công ty này đã nhận được hơn 30.000 đơn đặt hàng trước cho EV6 tại thị trường trong nước, bên cạnh 8.800 đơn đặt hàng từ cả thị trường châu Âu và Mỹ.
Nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai Hàn Quốc đang đặt mục tiêu bán 13.000 xe EV6 trên thị trường nội địa và 17.000 xe EV6 tại thị trường nước ngoài trong năm nay.
* Pháp kỳ vọng đón 50 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2021
Quốc vụ khanh phụ trách du lịch Pháp Jean-Baptiste Lemoyne ngày 1/8 cho biết Pháp hy vọng có thể đón 50 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2021, tăng 43% so với năm ngoái, nhờ sự phục hồi tại châu Âu.
Ông Jean-Baptiste Lemoyne cho hay dòng du khách từ các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, Hà Lan và Bỉ, đang quay trở lại, trừ Anh đang áp đặt biện pháp cách ly 14 ngày đối với những người trở về từ Pháp. Du khách từ Mỹ cũng ghi nhận sự phục hồi nhẹ, trong khi khách du lịch từ châu Á chưa thể quay trở lại cho đến năm sau.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, ông Jean-Baptiste Lemoyne cam kết Chính phủ Pháp sẽ tiến hành các biện pháp ứng phó theo từng khu vực, đồng thời nhấn mạnh “giấy chứng nhận sức khỏe”, một chứng chỉ chứng minh rằng người sở hữu đã được tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính với COVID-19, là một công cụ quan trọng để đối phó với đại dịch.
Pháp là điểm đến được nhiều khách du lịch ghé thăm nhất trên thế giới trước khi đại dịch xảy ra, với gần 90 triệu lượt khách du lịch nước ngoài mỗi năm. Năm 2020, đại dịch đã khiến Pháp mất khoảng 2/3 lượng du khách và doanh thu từ ngành du lịch đã giảm 41% so với năm 2019 xuống còn 89 tỷ euro (106 tỷ USD).
Ngành du lịch đóng góp khoảng 8% Tổng sản phẩm quốc nội của đất nước và tạo ra khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp.
* Thượng viện Mỹ thống nhất nội dung kế hoạch đầu tư hạ tầng 1.000 tỷ USD
Các thượng nghị sỹ Mỹ ngày 1/8 đã nhất trí những nội dung chi tiết của kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 1.000 tỷ USD, và nhiều người dự đoán Thượng viện sẽ thông qua kế hoạch trên trong tuần này.
Theo các thượng nghị sỹ từ cả hai đảng, dự luật đầu tư nói trên bao gồm khoản chi mới trị giá 550 tỷ USD trong 5 năm. Khoản này được dự đoán sẽ được đầu tư cho các dự án như đường sá, đường sắt, các trạm sạc xe điện và thay thế các đường ống dẫn nước, bên cạnh 450 tỷ USD đã được thông qua trước đó.
Lãnh đạo phe Đa số tại Thượng viện Chuck Schumer tin rằng Thượng viện có thể xem xét các điều chỉnh có liên quan một cách nhanh chóng và thông qua dự luật này trong vài ngày tới.
Nếu được Thượng viện thông qua, dự luật trên sẽ tiếp tục đối mặt với sự cân nhắc tại Hạ viện, nơi nhiều nghị sỹ Dân chủ cho rằng kế hoạch đầu tư này là “quá nhỏ”, và muốn ghép dự luật này với một dự luật trị giá 3.500 tỷ USD chi cho giáo dục, chăm sóc trẻ em, biến đổi khí hậu và nhiều ưu tiên chính sách khác.
Các nghị sỹ Dân chủ muốn lấy nguồn kinh phí cho khoản chi xã hội này bằng cách tăng thuế đối với doanh nghiệp và những người giàu có thu nhập hơn 400.000 USD/năm, một biện pháp mà các nghị sỹ Cộng hòa phản đối, khiến số phận của cả hai dự luật trên chưa chắc chắn.
PB(Tổng hợp)