* Giá vàng trong nước tăng 50.000 đồng/lượng
Mở cửa phiên giao dịch, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,7 - 57,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 20.000 đồng/lượng chiều mùa vào và tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC giữ nguyên so với chốt phiên hôm qua, ở mức 56,7 - 57,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường thế giới, trong phiên giao dịch ngày 29/7, giá vàng tăng hơn 1%, Vào lúc 1 giờ 19 phút ngày 30/7 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 1,3% lên 1.830,11 USD/ounce. Trước đó, cũng trong phiên này, giá vàng giao ngay có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 15/7 là 1.832,4 USD/ounce.
* Sáng 30/7, tỷ giá trung tâm giảm 32 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 30/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.180 VND/USD, giảm 32 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.876 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.484 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại sáng nay, giá USD đồng loạt giảm mạnh, trong khi giá đồng Nhân dân tệ (NDT) tiếp tục tăng mạnh.
Lúc 8 giờ 30 phút, giá USD tại Vietcombank giảm 20 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với hôm qua, niêm yết ở mức 22.820 - 23.050 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.483 - 3.629 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 18 đồng ở chiều mua vào và 17 đồng ở chiều bán ra so với hôm qua.
* Giá dầu Brent tăng trở lại mức 75 USD/thùng
Giá dầu tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch 29/7 giữa bối cảnh dự trữ dầu thô của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020. Kết quả này đã giúp đưa giá dầu Brent trở lại mốc 75 USD/thùng, sau khi chứng kiến đà giảm mạnh vào đầu tháng 7.
Chiều 29/7, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 37 xu Mỹ (0,5%), lên 75,11 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tiến 39 xu Mỹ (0,5%), lên 72,78 USD/thùng.
* 6 tháng, TP HCM thu ngân sách hơn 198.000 tỷ đồng
6 tháng đầu năm nay, TP HCM thu ngân sách đạt hơn 198.500 tỷ đồng, đạt 54,42% dự toán và tăng 19,75% so cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu trên được nêu ở văn bản tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm do UBND TP HCM vừa công bố. Trong đó, thu nội địa hơn 131.000 tỷ đồng, thu từ dầu thô hơn 6.800 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 60.200 tỷ đồng; thu ngân sách địa phương hơn 38.111 tỷ đồng.
Năm nay, Trung ương giao chỉ tiêu TP HCM thu ngân sách 365.000 tỷ đồng, tức bình quân một ngày thu 1.500 tỷ đồng. Năm 2019, TP HCM thu gần 410.000 tỷ đồng; năm 2020 ảnh hưởng dịch chỉ thu được 371.000 tỷ đồng (hơn 91% dự toán). Những năm gần đây, thu ngân sách thành phố chiếm 25-27% tổng thu cả nước.
* Tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá cả tại các tỉnh, thành phố
Bộ Tài chính vừa có công văn số 8227/BTC-QLG gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá trên địa bàn trong những tháng cuối năm 2021.
Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh triển khai quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Theo Bộ Tài chính, diễn biến của dịch COVID-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và trong nước. Thời gian gần đây, giá của một số mặt hàng quan trọng thiết yếu là nguyên, nhiên, vật liệu trong nước tiếp tục có xu hướng tăng theo giá thế giới. Đặc biệt, giá xăng dầu, vật liệu xây dựng, tác động đến các ngành sản xuất khác, thực hiện các dự án đầu tư và đời sống kinh tế - xã hội.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh triển khai quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn.
Cụ thể, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là đối với nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất; vật tư y tế phòng dịch, sản phẩm nông nghiệp; giá cước vận tải... để kịp thời có các giải pháp bình ổn giá thị trường phù hợp.
Đồng thời, đẩy mạnh kê khai, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kiểm soát chặt yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công....
* Trong 7 tháng đầu năm 2021, nhập siêu 2,7 tỷ USD
Trong tháng 7/2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 55,7 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5%; nhập khẩu đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3%.
Cán cân thương mại 7 tháng năm 2021 nhập siêu 2,7 tỷ USD. Như vậy, đây là tháng thứ 3 liên tiếp Việt Nam ghi nhận nhập siêu.
* 7 tháng, vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tăng 125,4%
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/7, trong 7 tháng năm 2021, tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài bao gồm vốn cấp mới và tăng thêm đạt 570 triệu USD, tăng 125,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư điều chỉnh tăng mạnh do có dự án Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD và một dự án của Vinfast tại Đức tăng 32 triệu USD...
Đối với cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, trong 7 tháng, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài có 28 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 145,3 triệu USD, giảm 29,6% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, có 11 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 424,8 triệu USD, gấp 9,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong 7 tháng có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam; trong đó, Mỹ là nước dẫn đầu với 302,8 triệu USD, chiếm 53,1% tổng vốn đầu tư. Campuchia với 89,2 triệu USD, chiếm 15,6%; Lào 47,8 triệu USD, chiếm 8,4%; Canada 32,1 triệu USD, chiếm 5,63%; Pháp, Đức, Hà Lan cùng đạt 32 triệu USD, cùng chiếm khoảng 5,61%.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,72 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2021, ước đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.
* Xử lý kịp thời vướng mắc cho doanh nghiệp trong lưu thông hàng hóa
Sau khi các tỉnh, thành phía Nam áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg để chống dịch, một số địa phương đã không cho nhiều cửa hàng sữa hoạt động vì không phải là mặt hàng thiết yếu. Ngay khi nhận được phản ánh của doanh nghiệp, Hiệp hội sữa Việt Nam, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương tiếp nhận và chuyển về Ban chỉ đạo để kịp thời xử lý.
Theo đó, Tổ công tác đặc biệt đã làm việc với Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) về khó khăn của doanh nghiệp khi một số quận, huyện trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh không cho cửa hàng bán sữa của Vinamilk được hoạt động bởi đây không phải là mặt hàng thiết yếu.
Không riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo Vinamilk, ngay trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, việc vận chuyển sữa và các sản phẩm từ sữa của doanh nghiệp này qua các chốt, trạm cũng gặp khó khăn.
Chẳng hạn như một số chốt trạm yêu cầu tài xế lái xe tải, xe gắn máy chở hàng quay đầu xe về đơn vị, có trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Tại buổi làm việc, Tổ công tác đặc biệt đã cung cấp văn bản số 4349/BCT-TTTN ngày 21/7/2021 của Bộ Công Thương gửi Sở Công Thương các địa phương về việc quy định hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Căn cứ văn bản này, một số địa phương như: Bình Dương, Đồng Nai… đã ban hành văn bản quy định danh mục mặt hàng thiết yếu; trong đó, có mặt hàng sữa.
Tuy nhiên, việc cho phép cửa hàng kinh doanh sữa được hoạt động hay không lại tùy thuộc vào quy định UBND quận, huyện xã, phường mỗi địa phương để bảo đảm phòng chống dịch COVID-19.
Bởi vậy, Tổ công tác đặc biệt đã tiếp nhận thông tin phản ánh từ Hiệp hội Sữa Việt Nam, Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk về những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển sữa và các mặt hàng chế biến từ sữa, chuyển về Ban chỉ đạo đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tháo gỡ.
Để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn vướng trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành Công văn 4481/BCT-TTTN gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn về việc hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; công văn số 4482/BCT-TTTN gửi Thủ tướng Chính phủ về việc lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đề xuất Chính phủ hướng xử lý tồn tại gây việc ùn ứ lưu thông tại các chốt giao thông.
Bên cạnh đó, trước kiến nghị của các doanh nghiệp không thể xin cấp thẻ nhận diện ưu tiên "luồng xanh" để vận chuyển lưu thông hàng hóa theo quy định, Tổ công tác đã kiến nghị, phối hợp Bộ Giao thông Vận tải ban hành văn bản số 7630/BGTVT-VT ngày 27/7/2021 về việc tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe đưa đón công nhân, chuyên gia được lưu thông thuận lợi khi đi, đến hoặc đi qua khu vực thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Căn cứ kiến nghị của Bộ Công Thương, ngày 29/7/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 5187/VPCP-CN về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19. Theo đó, tất các các loại hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân được vận chuyển, lưu thông trừ hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật đã cơ bản tháo gỡ, tránh gây ùn ứ tại các chốt kiểm soát. Từ đó, góp phần đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
* Thương mại ASEAN-Trung Quốc tăng 85 lần trong 30 năm qua
Theo số liệu thống kê chính thức công bố ngày 29/7, thương mại hai chiều giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã tăng vọt 85 lần kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ đối thoại cách đây 30 năm.
Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Ren Hongbin cho biết Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 12 năm liên tiếp. Năm 2020, ASEAN cũng trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Trong nửa đầu năm nay, thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ 38,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư qua lại giữa ASEAN và Trung Quốc đã vượt 310 tỷ USD tính đến tháng 6, trong khi doanh thu của các doanh nghiệp Trung Quốc từ các hợp đồng dự án tại các nước ASEAN đạt 350 tỷ USD.
* Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong quý II
Ngày 29/7, Bộ Thương mại Mỹ thông báo kinh tế nước này trong quý II tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2020. Dù tốc độ phục hồi của nền kinh tế số 1 thế giới sau "cú sốc" COVID-19 vẫn chậm hơn dự đoán 8,5% của giới phân tích kinh tế, song đây vẫn là mức tăng nhanh nhất kể từ mùa Thu năm 2020.
Theo giới phân tích, nền kinh tế Mỹ sẽ không chỉ đánh dấu mức tăng trưởng cao trong quý II mà còn duy trì mức vững chắc này trong nửa cuối năm nay. Điều này đạt được trong bối cảnh Chính phủ Mỹ tung ra gói cứu trợ lớn và chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 góp phần thúc đẩy chi tiêu đối với các dịch vụ liên quan đến du lịch.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng đã chỉ ra một số rủi ro, trong đó có nguy cơ làn sóng COVID-19 quay trở lại, do sự lây lan của biến thể Delta. Bên cạnh đó, nếu lạm phát cao hơn và việc gián đoạn chuỗi cung ứng hiện nay vẫn được duy trì, tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại.
Giới phân tích dự đoán tăng trưởng của Mỹ trong năm 2021 có thể đạt khoảng 7% - mức tăng lớn nhất kể từ năm 1984. Ngày 27/7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng tăng dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ lên 7,0% vào năm 2021 và 4,9% vào năm 2022, tăng lần lượt 0,6 và 1,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4.
Thống kê cho thấy kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Mỹ hồi tháng 3/2020, chính phủ nước này đã hỗ trợ gần 6.000 tỷ USD nhằm giảm bớt tác động của COVID-19. Tính đến nay, gần 50% dân số Mỹ đã được tiêm vaccine, qua đó đưa cuộc sống dần trở lại bình thường.
* Volkswagen dự báo lượng xe bàn giao giảm do thiếu chip bán dẫn
Tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu của Đức Volkswagen (VW) ngày 29/7 thông báo lợi nhuận sáu tháng đầu năm nay tăng mạnh, song VW hạ dự báo lượng xe bàn giao do tình trạng thiếu chip bán dẫn trở nên trầm trọng.
VW, tập đoàn sở hữu 12 thương hiệu ô tô, gồm cả Porsche, Audi, Seat và Skoda, cũng nâng mục tiêu lợi nhuận cho cả năm 2021 sau khi doanh số bán các dòng xe cao cấp giúp VW ghi nhận thành tích “kỷ lục” trong nửa đầu năm nay.
Cụ thể, VW cho biết mục tiêu tỷ suất lợi nhuận doanh thu (ROS) ở mức 6-7,5%, tăng so với mục tiêu 5,5-7% đưa ra trước đó.
Trong sáu tháng đầu năm nay, lợi nhuận kinh doanh (đã điều chỉnh) của VW đạt 11,4 tỷ euro (13,5 tỷ USD), cao hơn 1,4 tỷ euro so với cùng kỳ năm 2019, một năm trước khi khủng hoảng bởi các lệnh phong tỏa để hạn chế đại dịch COVID-19 lây lan ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô.
Mặc dù cố gắng giảm thiểu tác động từ sự thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu, VW nhận định tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn sẽ trầm trọng hơn trong quý III/2021.
Giống nhiều hãng sản xuất ô tô khác, VW gần đây buộc phải cắt giảm sản xuất tại một số nhà máy do khan hiếm nguồn cung các chip máy tính quan trọng, với nguyên nhân một phần là do đại dịch COVID-19 làm tăng nhu cầu về thiết bị điện tử gia dụng. Tác động của việc cắt giảm sản xuất do thiếu chất bán dẫn có thể cảm nhận được tại thị trường Trung Quốc, nơi mà VW ghi nhận sự sụt giảm doanh số ô tô.
VW, đã chi hàng chục tỷ euro cho sự chuyển dịch sang ngành ô tô xanh hơn, đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất dẫn đầu thế giới về doanh số bán ô tô điện. VW kỳ vọng ô tô điện sẽ chiếm một nửa doanh số bán xe vào năm 2030 và “gần 100%” doanh số vào năm 2040.
* Chênh lệch về tỷ lệ tiêm vaccine có thể ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 29/7 cảnh báo sự chênh lệch trong tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi của kinh tế thế giới.
Trong khi trình bày báo cáo sáu tháng một lần về tình hình thương mại thế giới, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và hoạt động thương mại của toàn thế giới đã phục hồi nhanh hơn dự đoán kể từ nửa cuối năm 2020, sau khi sụt giảm mạnh trong làn sóng bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên. Bà Okonjo-Iweala cho biết theo dự báo mới nhất của WTO, khối lượng thương mại hàng hóa sẽ tăng 8% trong năm 2021 và 4% trong năm 2022.
Tổng Giám đốc WTO cũng cho biết hình hình thương mại đang rất chênh lệch giữa các khu vực, mà nguyên nhân chính là do khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 bất bình đẳng. Điều này đặc biệt đúng với các nước có thu nhập thấp, nơi chỉ hơn 1% dân số đã được tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19. Bà Ngozi Okonjo-Iweala cảnh báo việc không đảm bảo được khả năng tiếp cận vaccine trên toàn cầu sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới và sức khỏe của người dân.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 27/7 cũng đưa ra một cảnh báo tương tự, cho rằng khả năng tiếp cận vaccine đang là yếu tố gây ra sự chênh lệch trong đà phục hồi trên toàn cầu.
Theo Tổng Giám đốc WTO, dù kim ngach thương mại hàng hóa toàn cầu đã giảm khoảng 8% trong năm 2020, nhưng hoạt động thương mại các mặt hàng y tế lại tăng 16% và mặt hàng thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) tăng gần 50%. Tuy nhiên, nhiều biện pháp hạn chế thương mại liên quan đến dịch COVID-19 vẫn đang được áp dụng, và theo bà, thách thức đặt ra là đảm bảo các biện pháp này chỉ là tạm thời và thực sự minh bạch.
PB (Tổng hợp)