* Giá vàng sáng 28/7 giảm 100 nghìn đồng/lượng
Cụ thể, lúc 8 giờ 35 phút, tại thị trường Hà Nội, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,5- 57,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận giữ nguyên giá vàng SJC so với chốt phiên hôm qua, niêm yết ở mức 56,6 - 57,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC cũng được giữ nguyên so với chốt phiên hôm qua, niêm yết ở mức 56,7 - 57,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trước đó, trên thị trường thế giới, giá vàng tăng lên gần ngưỡng chủ chốt là 1.800 USD/ounce trong phiên giao dịch 27/7, giữa bối cảnh đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm.
* Tỷ giá trung tâm tăng 1 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 28/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.218 VND/USD, tăng 1 đồng so với hôm qua.
Tại các ngân hàng thương mại sáng nay, giá USD ổn định và giá đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm mạnh.
Lúc 8 giờ 30 phút, giá USD tại Vietcombank không đổi so với cùng thời điểm hôm qua, niêm yết ở mức 22.880 - 23.110 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.462 - 3.624 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 16 đồng ở cả chiều mua và chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.
* Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong phiên 27/7
Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 2 xu Mỹ xuống 74,48 USD/thùng. Đây là lần giảm đầu tiên đối với giá dầu Brent trong sáu ngày qua. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng giảm 26 xu Mỹ (0,4%) xuống 71,65 USD/thùng.
Sau chuỗi tăng liên tiếp, giá xăng dầu quay đầu giảm hơn 100 đồng/lít
Liên Bộ Công Thương – Tài chính vừa thông báo điều chỉnh giá xăng, dầu áp dụng từ 15h ngày 27/7. Theo đó, giá xăng dầu sau chuỗi liên tiếp tăng giá đã quay đầu giảm hơn 100 đồng/lít.
Cụ thể, xăng E5RON92 có giá là 20.498 đồng/lít, giảm 112 đồng/lít so với giá hiện hành. Xăng RON95-III niêm yết 21.681 đồng/lít, giảm 102 đồng/lít; dầu diesel 0.05S 16.375 đồng/lít, giảm 162 đồng/lít; dầu hỏa 15.398 đồng/lít, giảm 105 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S có giá 15.522 đồng/kg, giảm 148 đồng/kg.
Liên Bộ cho biết đã trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) đối với dầu diesel 200 đồng/lít, dầu hỏa trích lập 300 đồng/lít, dầu mazut trích lập 300 đồng/kg. Đồng thời, liên Bộ chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 1.250 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 300 đồng/lít, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut không chi. Theo liên Bộ, giá xăng dầu thành phẩm thế giới trong 15 ngày vừa qua tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là tăng khá cao nhất là đối với các mặt hàng xăng.
Giá xăng dầu thành phẩm thế giới trong 15 ngày vừa qua tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm nhẹ. Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 27/7/2021 cụ thể như sau: 82,174 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 0,972 USD/thùng, tương đương giảm 1,17% so với kỳ trước); 84,363 USD/thùng xăng RON95 (giảm 0,860 USD/thùng, tương đương giảm1,01% so với kỳ trước); 77,277 USD/thùng dầu diesel 0.05S (giảm 1,049 USD/thùng, tương đương giảm1,34% so với kỳ trước); 76,66 USD/thùng dầu hỏa (giảm 0,695 USD/thùng, tương đương giảm 0,89% so với kỳ trước); 416,326 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (giảm 5,89 USD/tấn, tương đương giảm1,39% so với kỳ trước).
* Thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo
Sáng 28/7, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với 474/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,99% tổng số đại biểu Quốc hội).
Nghị quyết nêu rõ, Chương trình đặt ra mục tiêu tổng quát là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Trong đó, Chương trình đặt ra những mục tiêu cụ thể như: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, thời gian thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2025. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương: 48.000 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư phát triển: 20.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 28.000 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương: 12.690 tỷ đồng và huy động từ nguồn hợp pháp khác: 14.310 tỷ đồng. Chính phủ có giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình bảo đảm hiệu quả.
Chương trình được thực hiện trên nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo; hộ nghèo là gia đình có công với cách mạng.
* 7 tháng, vốn FDI đăng ký giảm hơn 11% do ảnh hưởng dịch COVID-19
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7/2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 4/2021 và đầu tháng 5/2021 tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Trước đó, vốn FDI đăng ký 6 tháng giảm 2,6%, trong khi 5 tháng vẫn tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
May hàng xuất khẩu tại một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài ở Bình Phước. Ảnh tư liệu: Dương Chí Tưởng/TTXVN
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong tổng số 16,7 tỷ USD vốn FDI thu hút được trong 7 tháng, có 1.006 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 37,9%, với tổng vốn đăng ký đạt 10,13 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020.
Cùng với đó, có 561 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,54 tỷ USD, giảm 3,7% và 2.403 lượt giấy phép mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 46,1% với tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,05 tỷ USD, giảm 55,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới thu hút FDI của Việt Nam. Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố vào trung tuần tháng 7/2021 cho thấy, niềm tin của doanh nghiệp đã bị suy giảm mạnh do ảnh hưởng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4.
Mặc dù, nguồn vốn FDI đăng ký giảm mạnh song điểm tích cực trong bức tranh thu hút FDI 7 tháng là vốn FDI giải ngân vẫn tăng nhẹ 3,8% so với cùng kỳ 2020, với mức 10,5 tỷ USD.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đứng đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 7,9 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với 5,49 tỷ USD, chiếm 32,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và lĩnh vực kinh doanh bất động sản 1,16 tỷ USD, chiếm 6,9% tổng vốn đầu tư đăng ký…
Về đối tác đầu tư, đã có 86 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,92 tỷ USD, tiếp đến là Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 2,54 tỷ USD. Đáng chú ý, nguồn vốn FDI đến từ Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 81% và 68,3% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này.
Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,2 tỷ USD, giảm 22,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc)…
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 57 tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó, Long An tiếp tục là địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,58 tỷ USD. TP.HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 1,78 tỷ USD và Bình Dương đứng thứ ba với 1,33 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội…
* Tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng mạnh, ước đạt gần 97.000 tỷ đồng,
Báo cáo của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm về thị trường bảo hiểm trong 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy tăng trưởng vẫn duy trì mức 2 con số. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 96.799 tỷ đồng, tăng 16,22% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 29.981 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ ước đạt 66.818 tỷ đồng.
Hiện trên thị trường bảo hiểm hiện có 73 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bao gồm 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 21 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Theo đó, tổng tài sản của các doanh nghiệp trên ước đạt 633.757 tỷ đồng, tăng 22,68% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 102.222 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 531.535 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, kết quả đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 520.543 tỷ đồng, tăng 25,82% so với cùng kỳ năm 2020. Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 54.172 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 466.371 tỷ đồng.
Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 396.855 tỷ đồng, tăng 21,09% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 27.806 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 369.049 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, khi so với cùng kỳ năm trước, tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 149.677 tỷ đồng, tăng 35,45%; Tổng chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 25.511 tỷ đồng, tăng 14,18%; Tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm ước đạt 6.388 tỷ đồng, tăng 11,28%; Tổng doanh thu môi giới bảo hiểm ước đạt 548 tỷ đồng, tăng 13,72% so với cùng kỳ năm trước
* Vingroup bổ nhiệm ông Michael Lohscheller làm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu
Sáng 27/7, Tập đoàn Vingroup công bố bổ nhiệm ông Michael Lohscheller - người từng giữ vị trí Phó Chủ tịch Volkswagen Mỹ và Tổng giám đốc Opel toàn cầu - làm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu. Ông Michael Lohscheller sẽ chịu trách nhiệm mở rộng hoạt động kinh doanh, thúc đẩy quảng bá VinFast ra toàn thế giới.
Ông Michael Lohscheller sẽ làm việc tại Việt Nam, trực tiếp quản lý và điều hành các thị trường của VinFast hiện nay, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan. Bên cạnh đó, ông Michael Lohscheller cũng sẽ tham gia thúc đẩy chiến lược trên thị trường quốc tế, hướng tới mục tiêu đưa VinFast trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu.
Với nhiều năm kinh nghiệm ở các vị trí quản lý khác nhau, trong đó nắm nhiều vị trí chủ chốt cho nhiều hãng xe lớn như Phó chủ tịch Volkswagen tại Mỹ và Tổng giám đốc toàn cầu Opel, ông Michael Lohscheller là một trong những chuyên gia hàng đầu trong ngành ô tô thế giới.
Đặc biệt, ông đã ghi dấu ấn khi dẫn dắt hãng xe Opel đạt được tăng trưởng lợi nhuận ổn định sau nhiều năm thua lỗ và chuyển đổi Opel sang thương hiệu xe điện.
Theo Vingroup, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành xe ô tô, ông Michael Lohscheller được kỳ vọng sẽ giúp VinFast có những bước tiến ấn tượng, góp phần đưa VinFast thành công ở các thị trường quốc tế và trở thành hãng xe điện thông minh hàng đầu thế giới.
* IMF cảnh báo các nước đang phát triển tụt lại sau trong quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới cập nhật ngày 27/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, nhưng tình trạng phục hồi không đồng đều giữa các nước đang gia tăng, khi các nền kinh tế phát triển tăng tốc, còn các nền kinh tế đang phát triển tụt lại sau.
Mức dự báo mới về tăng trưởng của kinh tế toàn cầu không thay đổi so với dự báo hồi tháng Tư, nhưng kinh tế Mỹ được cho là sẽ tăng trưởng nhanh hơn mức 7% trong năm nay, nhờ gói chi tiêu lớn của chính phủ và chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 được triển khai rộng rãi, còn dự báo tăng trưởng của Ấn Độ bị hạ xuống do nước này đối mặt với số ca nhiễm gia tăng.
Nhờ chương trình tiêm chủng cho phép mở cửa nền kinh tế, các dự báo về tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay và năm tới được nâng lên, trong đó năm tới là 4,9%. IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng năm 2021 của Canada và Anh lên các mức tương ứng là 6,3% và 7%, và của Khu vực sử dụng đồng euro được tăng nhẹ lên 4,6%. Mức tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ bị hạ xuống 9,5%, và thậm chí của Trung Quốc bị hạ 0,3 điểm phần trăm xuống 8,1%.
Mặc dù một số quốc gia thị trường mới nổi như Brazil và Mexico có thể sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong năm nay, các nước đang phát triển là nhóm nước đang tụt lại sau và gặp khó khăn trong việc phục hồi về các mức trước đại dịch.
Theo IMF, tiếp cận vaccine đã trở thành vấn đề chính đưa đến hai tốc độ phục hồi trong nền kinh tế toàn cầu. IMF cảnh báo mối nguy hiểm đối với nền kinh tế toàn cầu nếu các biến thể mới của virus SAR-CoV-2 xuất hiện. Sự phục hồi sẽ không được đảm bảo ngay cả ở những nước mà tỷ lệ lây nhiễm hiện ở mức rất thấp nếu dịch vẫn lây lan ở các nước khác.
IMF một lần nữa nhấn mạnh rằng ưu tiên cấp bách là cung cấp vaccine đồng đều trên toàn cầu. Các nước phát triển đã tiêm chủng cho gần 40% dân số, trong khi con số này ở các thị trường mới nổi chỉ là 10% và thậm chí là thấp hơn ở các nước thu nhập thấp.
Nhà kinh tế trưởng của IMF, Gita Gopinath, cho rằng sự xuất hiện của các biến thể có khả năng lây nhiễm cao có thể cản trở quá trình phục hồi và khiến GDP của toàn cầu thiệt hại 4.500 tỷ USD vào năm 2025.
IMF đang hối thúc kế hoạch chi 50 tỷ USD để kết thúc đại dịch, thông qua phân phối vaccine và giải quyết các nhu cầu cấp bách ở các nước thu nhập thấp.
Và trong khi lạm phát tăng gần đây là do sự phục hồi của nền kinh tế sau những tác động của đại dịch và sẽ là tạm thời, IMF nêu lên khả năng giá cả có thể tăng kéo dài.
PB (Tổng hợp)