* Giá vàng sáng 23/7 tăng 50.000 đồng/lượng
Mở cửa phiên giao dịch, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn điều chỉnh tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với hôm qua, niêm yết ở mức 56,85- 57,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tương tự, tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC cũng được điều chỉnh tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với ngày hôm qua, niêm yết ở mức 57,00 - 57,60 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng thế giới, vào lúc 0 giờ 33 phút sáng ngày 23/7 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.804,45 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn Mỹ cũng tăng 0,1% lên 1.805,40 USD/ounce.
* Tỷ giá trung tâm sáng 23/7 giảm 6 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 23/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.209 VND/USD, giảm 6 đồng so với ngày hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.905 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.512 VND/USD.
* Tại các ngân hàng thương mại, giá đồng USD và đồng NDT biến động nhẹ.
Lúc 8 giờ 10 phút, giá USD tại Vietcombank giữ nguyên ở cả chiều mua vào và bán ra so với ngày hôm qua, niêm yết ở mức 22.890 - 23.120 VND/USD (mua vào - bán ra).
Tương tự, đồng NDT tại ngân hàng này cũng không đổi so với ngày hôm qua là 3.487 - 3.634 VND/NDT (mua vào - bán ra).
Tại Vietinbank, giá đồng bạc xanh giảm 5 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với hôm qua, hiện niêm yết ở mức 22.890 - 23.110 VND/USD (mua vào - bán ra).
* Giá dầu thế giới phiên 22/7 tiếp tục đà tăng
Giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng Chín tăng 1,61 USD, hay 2,3%, lên chốt phiên ở mức 71,91 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York. Trong khi đó, giá dầu Brent giao cùng kỳ tăng 1,56 USD, hay 2,2%, lên 73,79 USD/thùng tại Sàn London ICE Futures.
Trong phiên 21/7, giá dầu WTI và giá dầu Brent tăng tương ứng 4,6% và 4,2%.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, nhóm được gọi là OPEC+, cuối tuần trước đã nhất trí tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong giai đoạn tháng 8-12/2021.
* 180 đơn vị cung ứng nông sản cho các tỉnh, thành phía Nam
Ngày 22/7, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Tổ công tác của Bộ Công Thương; các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh danh sách hợp tác xã, doanh nghiệp cung ứng nông sản trong điều kiện dịch COVID-19.
Để cung cấp thông tin về nguồn cung nông sản, kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu giữa các tỉnh, thành phố và TP Hồ Chí Minh, Tổ công tác đã lập danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các mặt hàng nông sản. Theo đó, Tổ công tác đã tổng hợp được 180 đơn vị cung ứng các mặt hàng nông sản. Cụ thể, rau củ có 41 đơn vị cung ứng; trái cây có 65 đơn vị; thủy hải sản, hàng chế biến, chăn nuôi, trứng, thịt, sữa có 59 đơn vị; gạo 11 đơn vị; các mặt hàng khác có 4 đơn vị.
Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công Thương, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố phối hợp kết nối chuỗi cung cầu nông sản nhằm đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
* Lâm Đồng tăng cung ứng hon 2.500 tấn rau củ mỗi ngày
Ngày 22/7, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ nay đến hết tháng 7/2021, tỉnh Lâm Đồng sẽ tăng sản lượng rau củ thêm khoảng 2.560 tấn/ngày để cung ứng cho sự thiếu hụt của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Người dân thành phố Đà Lạt thu hoạch rau xanh cung cấp cho TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể, trong 10 ngày (từ 21/7-31/7/2021), sản lượng rau củ quả sản xuất của tỉnh Lâm Đồng đạt 98.434 tấn. Tương ứng sản lượng đạt 9.843 tấn/ngày và có thể cung ứng ra thị trường khoảng 8.560 tấn/ngày. Nguồn cung cấp nông sản chủ yếu từ huyện Đức Trọng, Đơn Dương và thành phố Đà Lạt.
Theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, hiện Thành phố Hồ Chí Minh thiếu 1.500 tấn rau củ mỗi ngày; trong đó nguồn cung từ tỉnh Lâm Đồng chiếm 55%, tương đương 825 tấn/ngày. Sở đã chủ động, phối hợp Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển rau củ cập nhật thông tin để tạo luồng xanh cho 120 phương tiện vận chuyển rau củ về Thành phố Hồ Chí Minh thuận tiện.
Sở cũng phối hợp với Bưu điện tỉnh Lâm Đồng cung cấp thông tin về năng lực vận chuyển của hệ thống bưu điện đến các doanh nghiệp cung ứng rau củ trên địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng nông sản thiết yếu cung ứng cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Trước đó, tổng sản lượng rau củ của tỉnh Lâm Đồng cung ứng ra thị trường khoảng 6.000 tấn/ngày. Riêng thị trường Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ 2.600 tấn/ngày, chiếm tỷ trọng 43,33%; các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu hơn 1.000 tấn/ngày. Số còn lại được cung cấp cho các tỉnh, thành khác và tiêu thụ nội tỉnh.
* Cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô
Bộ Công Thương cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã bắt đầu được hình thành và chú trọng phát triển cách đây hơn 20 năm (năm 1991), muộn hơn so các nước trong khu vực khoảng 30 năm, nhưng trong 3 năm trở lại đây ngành đã phát triển khá nhanh.
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bao gồm cả loại hình xe được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời và loại hình xe được sản xuất, lắp ráp từ xe sát xi cơ sở hoặc xe mới khác đã được chứng nhận thấy rõ.
Năm 2018, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 287.586 xe. Năm 2019, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước là 339.151 xe và năm 2020, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước là 323.892 xe.
Bộ Công Thương nhận định, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trị đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất.
Tính đến hết năm 2020, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có khoảng trên 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp xe ô tô bao gồm ô tô con, ô tải, ô tô khách, ô tô chuyên dùng và ô tô sát xi.
Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Tổng công suất lắp ráp theo thiết kế khoảng 755 nghìn xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%.
Bên cạnh năng lực sản xuất và lắp ráp, các doanh nghiệp ô tô trong nước đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm. Giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.
* Nông sản Việt Nam tham gia Hội chợ hàng nhập khẩu Hàn Quốc 2021
Hội chợ lớn này kéo dài từ ngày 22 - 24/7 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc tế COEX, thành phố Seoul. Đây là Hội chợ thường niên do Hiệp hội các nhà nhập khẩu Hàn Quốc (KOIMA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), Tổ chức Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) và Đại sứ quán các nước tại Hàn Quốc.
Hội chợ năm nay có quy mô khoảng 200 gian hàng, được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu, quảng bá các sản phẩm; trao đổi, tìm kiếm đối tác, mở rộng cơ hội kinh doanh với các doanh nghiệp nước sở tại và quốc tế.
Trong lĩnh vực thương mại, hai nước hiện đang là đối tác thương mại quan trọng của nhau. Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam sau Trung Quốc (133 tỷ USD) và Mỹ (90,7 tỷ USD), với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 đạt 66 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 19,1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 46,9 tỷ USD. Xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản và thực phẩm chế biến sang Hàn Quốc năm 2020 đạt 1,2 tỷ USD chiếm 4,1% trong tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này của Hàn Quốc.
* Việt Nam nhận thêm 3 triệu liều vaccine Moderna vào ngày 25/7
Tại họp báo thường kỳ chiều 22/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng Việt Nam xác nhận 3 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ tài trợ qua cơ chế COVAX sẽ về đến Việt Nam vào ngày Chủ nhật (25/7).
Trước đó, ngày 10/7, Việt Nam cũng nhận 2 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ tài trợ qua cơ chế COVAX.
Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã nhận được hơn 8 triệu liều vaccine từ các nước và tổ chức quốc tế, trong đó có 4,5 triệu liều qua cơ chế COVAX, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, các nước và đối tác tiếp tục cam kết ủng hộ vaccine cho Việt Nam, trong đó Mỹ sẽ hỗ trợ hơn 3 triệu liều vaccine, Romania đã tặng hơn 100.000 liều, Australia 1,5 triệu liều.
Hiện tại, Việt Nam đang đàm phán mua 55 triệu liều, bao gồm 40 triệu liều Sputnik-V do Tập đoàn T&T đàm phán với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga và 15 triệu liều Covaxin do Bộ Y tế đang đàm phán với Ấn Độ.
Tại họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng cập nhật tình hình chuyển giao công nghệ vaccine ngừa Covid-19 của các nước cho Việt Nam.
“Song song với việc triển khai mạnh mẽ ngoại giao vaccine, Việt Nam cũng đã tập trung tìm kiếm cơ hội hợp tác nghiên cứu sản xuất vaccine nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine, tiến tới sản xuất vaccine bền vững. Theo Bộ Y tế, Công ty Vabiotech của Việt Nam đã ký kết hợp tác với công ty sản xuất vaccine Sputnik V của Nga về việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V khoảng 150 triệu liều/năm”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin.
Trước đó, ngày 21/7, Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) và Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm Số 1 (Vabiotech) công bố sản xuất thử nghiệm lô vaccine Sputnik V đầu tiên phòng chống Covid-19.
Theo thông tin cùng ngày từ Bộ Y tế, 10.000 liều trong số 30.000 liều đầu tiên mà Vabiotech gia công, đóng ống đã được gửi sang Nga để kiểm định tiêu chuẩn chất lượng. 20.000 liều vaccine còn lại đang bảo quản tại Việt Nam và được các chuyên gia tiến hành kiểm định song song.
Thời gian kiểm nghiệm chất lượng lô vaccine này là khoảng 30 ngày. Nếu vaccine đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, hai bên sẽ ký kết Biên bản thỏa thuận, chính thức gia công tại Việt Nam, dự kiến 5 triệu liều vaccine/tháng.
Đến nay, Ấn Độ, Anh, Cuba và Đức đã cam kết chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam. Về thiết bị vật tư, y tế Việt Nam cũng nhận được các hỗ trợ từ UNICEF, Australia, Đức, Campuchia, Nhật Bản, Lào, Anh, Ả rập...
* Toyota ngừng hoạt động cả ba nhà máy ở Thái Lan do thiếu phụ tùng
Hãng sản xuất ô tô hàng đầu của Nhật Bản Toyota Motor Corp. thông báo ngừng hoạt động cả ba nhà máy sản xuất ở Thái Lan đến ngày 28/7 do thiếu phụ tùng, giữa bối cảnh đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất đã buộc các nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô ở quốc gia Đông Nam Á phải đóng cửa.
Ba nhà máy của Toyota tại Thái Lan, nằm ở ngoại ô Bangkok và có tổng công suất 760.000 xe mỗi năm, đóng vai trò là cơ sở sản xuất quan trong của nhà sản xuất ô tô Nhật Bản này tại Đông Nam Á.
Quan chức Toyota cho biết thêm hãng vẫn chưa có quyết định liệu ba nhà máy có thể nối lại hoạt động vào ngày 29/7 hay không. Hãng sẽ tính toán tỷ lệ lây nhiễm dịch COVID-19 trong khu vực để xác định xem có nên tiếp tục hoạt động hay kéo dài thời gian tạm ngừng thêm nữa.
Cùng ngày, Toyota còn cho hay hãng sẽ tạm ngừng một phần sản xuất tại nhà máy chi nhánh ở miền Trung Nhật Bản trong năm ngày vào cuối tháng Bảy và đầu tháng Tám “do thiếu hụt bộ phận từ sự lây lan của dịch COVID-19 tại Đông Nam Á”.
Trong thông cáo báo chí, Toyota cho biết hoạt động sản xuất tại nhà máy Toyota Auto Body Co. ở tỉnh Aichi sẽ bị tạm ngừng trong hai ngày vào tuần tới và ba ngày trong tuần đầu tiên của tháng Tám. Dây chuyền tạm dừng hoạt động sản xuất 5 mẫu xe, bao gồm cả dòng minivan Alphard và Vellfire.
Đợt bùng phát COVID-19 mới tại các nước Đông Nam Á khác có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khác có dây chuyền sản xuất hoặc nhập khẩu phụ tùng ô tô từ khu vực này.
* Cuộc họp G20 không đạt tiến triển về tài trợ cho "cuộc chiến" khí hậu
Các bộ trưởng năng lượng và môi trường Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hầu như không đạt được tiến triển nào trong ngày 22/7 về biện pháp để đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Cuộc họp này của G20 được xem là một giai đoạn trung gian quan trọng trước thềm cuộc đàm phán khí hậu toàn cầu COP 26 dự kiến sẽ diễn ra tại Glasgow vào tháng 11 tới.
Hành động vì khí hậu đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong tháng này, với một loạt hiện tượng thiên nhiên mang tính tàn phá như mưa lũ nghiêm trọng ở châu Âu, cháy rừng lớn ở Mỹ, và nhiệt độ cao ở Siberia. Thế nhưng, các nước vẫn đang loay hoay về cách thức tài trợ cho những chính sách tiêu tốn nhiều tiền của để giảm tình trạng ấm lên toàn cầu.
Năm 2009, tại Liên hợp quốc, các nước phát triển đã nhất trí cùng nhau đóng góp 100 tỷ USD/năm từ đó đến năm 2020 nằm giúp các nước nghèo hơn, vốn vẫn đang “vật lộn” với tình trạng nước biển dâng, bão lũ và hạn hán ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, mục tiêu đó vẫn chưa đạt được, và cuộc họp của G20 cũng không có dấu hiệu sẽ nhắc đến cam kết 100 tỷ USD nói trên hay đưa ra bất kỳ cam kết tài chính vững chắc nào.
PB (Tổng hợp)