Bám sát chỉ đạo của tỉnh về hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Cục Thuế tỉnh đã khẩn trương rà soát, thống kê và kịp thời gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho 426 DN, số tiền thuế gia hạn trên 69,6 tỷ đồng; giải quyết kịp thời thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng trên 2.260 tỷ đồng/56 lượt DN. Đồng thời, Cục Thuế tỉnh tiếp tục hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN bị ảnh hưởng bởi COVID-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Các NHTM đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho 282 tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 đang vay vốn ngân hàng với dư nợ được cơ cấu lại là 350 tỷ đồng; số dư nợ được cơ cấu cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến thời điểm 30-4-2021 là 101 tỷ đồng; miễn giảm lãi với số tiền 1,54 tỷ đồng, góp phần giải quyết kịp thời khó khăn về vốn cho các DN. Về cho vay mới, các NHTM trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 0,5 đến 1%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các khoản vay trước dịch COVID-19; đồng thời triển khai gói cho vay ưu đãi hỗ trợ DN với lãi suất giảm từ 2 đến 2,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Tính đến 30-4, các NHTM đã cho vay mới đạt 9.681 tỷ đồng, trong đó DN vay mới 3.560 tỷ đồng và hộ kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân 6.121 tỷ đồng, để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Công ty TNHH May Tiến Thuận duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh trong đại dịch COVID-19.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê tình hình lao động; có phương án hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Toàn tỉnh đã thực hiện chi hỗ trợ cho nhóm đối tượng là người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 22.686 hồ sơ/22,84 tỷ đồng. Cùng với chính sách của Trung ương, tỉnh cũng đã rà soát hỗ trợ các đối tượng khác từ chính sách riêng của tỉnh. Đã hoàn thành việc xét duyệt 8 nhóm đối tượng với 3.976 người trên địa bàn toàn tỉnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, với số tiền dự kiến hỗ trợ hơn 3,97 tỷ đồng. Song song đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và không tính lãi chậm nộp phạt. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 để ổn định tâm lý, củng cố niềm tin, tạo đồng thuận xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh và thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ DN bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 của tỉnh đã tiếp thêm sức để cộng đồng DN, doanh nhân vượt khó, tiếp tục duy trì, phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Trong 5 tháng đầu năm, KT-XH tiếp tục được giữ ổn định; hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thu ngân sách nhà nước tăng so cùng kỳ năm trước. An sinh xã hội bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.
Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, nhằm tạo điều kiện cho DN phát triển, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cắt giảm một số thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt trong sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho DN phát triển theo quy định Chính phủ. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách theo quy định để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19; cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay, cho vay ưu đãi hỗ trợ đối với các ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề vì dịch. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chịu đựng của nền kinh tế. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hỗ trợ DN quảng bá trực tiếp các sản phẩm đến người tiêu dùng ở các thị trường nước ngoài, đặc biệt là những nước mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do; đẩy mạnh công tác phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, DN trong thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh vào địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những chính sách đã triển khai, UBND tỉnh đã đề nghị HĐND tỉnh xem xét, kiến nghị với các cơ quan Trung ương có chính sách hỗ trợ vắc xin phòng COVID-19 cho các tỉnh, ưu tiên các tỉnh có khó khăn về nguồn thu ngân sách như Ninh Thuận; có văn bản quy định hạ thấp mức trần lãi vay và kéo dài thời gian thực hiện để các DN có cơ hội phục hồi; luật hóa các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội theo tinh thần của các Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ để thuận lợi trong áp dụng theo từng địa phương nếu có những đợt bùng phát dịch bệnh cục bộ; cần ưu tiên tiếp tục tái khởi động và triển khai lại các chính sách tạm hoãn, gia hạn thời gian về thuế, bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn để giảm áp lực cho các DN, đồng thời DN sớm tiếp cận gói hỗ trợ của Nhà nước.
Xuân Bính