Đạt kết quả trên là nhờ UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành và địa phương phản ứng kịp thời và có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN), chỉ đạo quyết liệt các giải pháp nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, ban hành kế hoạch triển khai giao nhiệm vụ cụ thể từng chỉ tiêu cho các sở, ngành, địa phương. Đồng thời tổ chức đối thoại DN theo từng chuyên đề định kỳ hằng tháng theo hướng cởi mở và tập trung tháo gỡ, giải quyết các vấn đề khó khăn cho DN. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, tiếp nhận và xử lý hồ sơ qua dịch vụ công mức độ 3, 4; mở rộng tương tác giữa lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành với DN thông qua Hiệp hội DN và Hội doanh nhân trẻ bằng nhiều hình thức phong phú như: Cafe doanh nhân, tạo nhóm tương tác trên không gian mạng (Zalo),... tạo sự thân thiện giữa chính quyền với DN cũng như tăng kết nối trong cộng đồng DN của địa phương. Bên cạnh đó, việc đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động đã góp phần tạo thuận lợi cho người dân và DN trong việc thực hiện thủ tục hành chính...
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, dù nằm trong nhóm các tỉnh có kết quả điều hành kinh tế trung bình, nhưng nếu so sánh 10 chỉ số thành phần với năm 2019 thì năm 2020 tỉnh ta có 4/10 chỉ số vừa tăng điểm số vừa tăng thứ hạng. Trong đó, chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự có sự bứt phá thứ hạng tốt nhất (tăng 1,23 điểm và tăng 36 bậc); tiếp đến là chỉ số Gia nhập thị trường (tăng 0,93 điểm và tăng 17 bậc); chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh (tăng 0,29 điểm và tăng 7 bậc) và chỉ số Chi phí không chính thức (tăng 0,51 điểm và tăng 3 bậc). Có 2 chỉ số thành phần cải thiện điểm số, nhưng giảm thứ hạng đó là: Chi phí thời gian (tăng 0,22 điểm, giảm 18 bậc), Cạnh tranh bình đẳng (tăng 0,10 điểm, giảm 1 bậc). Có 2 chỉ số giảm điểm số nhưng tăng thứ hạng, gồm: Tính minh bạch (giảm 0,40 điểm, tăng 24 bậc), Đào tạo lao động (giảm 0,17 điểm, tăng 3 bậc).
Bên cạnh những chỉ số có điểm số tăng, vẫn còn 2 chỉ số là Tiếp cận đất đai và Dịch vụ hỗ trợ DN đều giảm điểm số và thứ hạng. Các chỉ số thành phần PCI của tỉnh còn diễn biến theo xu hướng không tích cực xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là do năm 2020 cộng đồng DN và hệ thống chính quyền phải căng sức để đối phó với đại dịch COVID-19 và thiên tai xảy ra liên tiếp, đã tác động tiêu cực tới hoạt động đầu tư kinh doanh của DN cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng. Nguyên nhân chủ quan, theo nhiều DN, việc cung cấp thông tin về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng; quỹ đất sạch còn thiếu; công tác giải phóng mặt bằng chậm... Các DN cho rằng, để nâng cao chỉ số PCI, tỉnh cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục pháp lý về đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, giá cho thuê đất thực hiện dự án; có chính sách ưu tiên cho DN tiếp cận các nguồn vốn vay Ngân hàng nhanh với lãi suất ưu đãi; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; thường xuyên phổ biến và cập nhập thông tin về chính sách, pháp luật mới để DN nắm bắt kịp thời; giúp DN tiếp cận thị trường; hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số...
Với quyết tâm tạo sự đột phá để cải thiện chỉ số PCI, trong cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện chỉ số PCI năm 2020 và đề ra các giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2021 vừa được tổ chức vào đầu tháng 6, UBND tỉnh yêu cầu trước mắt, xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, theo hướng xác định mục tiêu cải thiện điểm số của từng chỉ số thành phần cụ thể. Phân công nhiệm vụ chi tiết cho từng sở, ngành và địa phương dựa trên 128 chỉ tiêu cụ thể của 10 chỉ số thành phần. Trong đó, tập trung cải thiện mạnh các chỉ số thành phần giảm điểm, giảm thứ hạng, hoặc điểm số còn thấp như: Tính minh bạch, Dịch vụ hỗ trợ DN, Đào tạo lao động và các chỉ số có yếu tố quyết định đến vị trí xếp hạng PCI của tỉnh. Tăng cường gặp gỡ, đối thoại nhằm nắm bắt tình hình, khó khăn, vướng mắc để có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho DN. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả, tạo thuận lợi tối đa cho DN, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của Cổng thông tin điện tử tỉnh và Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành theo hướng minh bạch, nhất là tiếp cận các tài liệu của tỉnh; đăng tải đầy đủ các thông tin liên quan đến DN như: Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, kế hoạch phát triển của tỉnh, dự án đầu tư công, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, thông tin đấu thầu,... tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng giữa các DN trong tiếp cận thông tin.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cần phối hợp hỗ trợ xây dựng chương trình chuyển đổi số cho DN, ứng dụng giao dịch thương mại điện tử để ứng phó kịp thời với đại dịch COVID-19; đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ DN. Tăng cường chấn chỉnh lề lối làm việc, kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tiếp tục triển khai khảo sát và công bố bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương thuộc tỉnh trong năm 2021 và các năm tiếp theo, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại, tạo đột phá nâng cao chỉ số PCI trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Uyên Thu