* Giá vàng sáng 8/6 tăng 300.000 đồng/lượng
Lúc 8 giờ 45 phút, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,9 - 57,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC tăng 170.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 250 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, ở mức 56,9 - 57,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường thế giới, giá vàng tiếp tục tăng trong phiên giao dịch 7/6 do đồng USD trượt giá.
Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.895,77 USD/ounce vào lúc 0 giờ 42 phút sáng theo giờ Việt Nam. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,4% lên 1.898,80 USD/ounce.
* Giá USD sáng 8/6 biến động mạnh
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 8/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.130 VND/USD, giảm 10 đồng so với cùng thời điểm hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.844 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.455 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay, giá đồng USD và giá đồng Nhân dân tệ (NDT) cùng biến động mạnh.
Lúc 8 giờ 30 phút, giá USD tại Vietcombank giảm 65 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cùng thời điểm hôm qua, ở mức 22.850 - 23.080 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.520 - 3.667 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 11 đồng ở chiều mua vào và 12 đồng ở chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.
* Doanh nghiệp xây dựng lao đao vì giá thép tăng phi mã
Giá thép trong nước liên tục tăng mạnh đến 45-50% trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của ngành xây dựng, khiến không ít doanh nghiệp phải lên tiếng "kêu cứu".
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thép trong nước dự kiến tăng đến hết quý III/2021. Nguyên nhân do thị trường trong nước đang khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc và Ấn Độ… Trước tình hình này, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành báo cáo tình hình sản xuất, nhập khẩu thép, có biện pháp kiểm soát để giảm tác động tăng giá thép tới sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đã rà soát và xây dựng các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
* Giá thép thế giới tăng gấp đôi trong vòng một năm
Liên đoàn Thép, hiệp hội bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất và chế biến thép của CH Séc và Slovakia, mới đây cho biết, giá thép trên toàn thế giới đang trở nên đắt hơn do giá nguyên liệu và hàng hóa tăng.
Cụ thể, giá thép vào thời điểm hiện tại đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Giá quặng sắt trong tháng 5/2021 cũng đã đạt mức 200 USD/tấn.
Lý giải về việc giá thép đang trở nên đắt hơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Liên minh Thép, ông Daniel Urban cho biết, giá thép tăng do một số yếu tố. Thứ nhất, giá nguyên liệu thô (quặng sắt và phế liệu) tăng gần gấp đôi so với năm ngoái do nhu cầu ngày càng tăng của về nguyên liệu thô của Trung Quốc, quốc gia sản xuất hơn một nửa lượng thép trên thế giới.
Thứ hai, nhu cầu về quặng sắt và phế liệu cũng tăng tại châu Á, châu Mỹ và châu Âu khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như dự trữ thép của các nước không đủ do không tích trữ vì dự báo giá thép sẽ giảm. Yếu tố cuối cùng khiến giá thép thế giới tăng là tác động từ việc ngành sản xuất thép của Liên minh châu Âu (EU) bị giảm sản lượng hoặc đóng cửa do các biện pháp chống đại dịch COVID-19.
PB (Tổng hợp)