Trọng tâm của Chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Ở tỉnh ta, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và Chương trình OCOP tỉnh, trong năm 2020 các ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến cấp xã; áp dụng đồng bộ các chính sách để thực hiện hiệu quả Chương trình. Kết quả về số lượng sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2020 là 69 sản phẩm; trong đó, 8 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 10 sản phẩm đạt 4 sao và 51 sản phẩm đạt 3 sao.
Tham gia Chương trình OCOP, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất được hỗ trợ quảng bá,
giới thiệu sản phẩm nông nghiệp.
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Khi mới triển khai, nhận thức về ý nghĩa của Chương trình OCOP của đại bộ phận cán bộ, doanh nghiệp, các hộ sản xuất còn hạn chế, nhưng đến nay có chuyển biến tích cực. Thông qua Chương trình đã đào tạo, tập huấn cho 100% cán bộ quản lý Chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh sản phẩm OCOP. Thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gắn với hoạt động du lịch của tỉnh. Tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến “cung - cầu” với 220 đại biểu tham dự; tổ chức trao chứng nhận cho 69 sản phẩm OCOP của 19 chủ thể có sản phẩm và đã kết nối, ký kết thành công 8 hợp đồng kinh tế liên kết tiêu thụ với hệ thống siêu thị, kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài tỉnh.
Dù mới được triển khai thực hiện, nhưng Chương trình OCOP bước đầu đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất và kinh doanh mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt khu vực nông thôn. Chủ thể sản xuất, kinh doanh đã được tập huấn đào tạo kiến thức về tổ chức sản xuất, kế hoạch phát triển sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác, công bố chất lượng sản phẩm và xây dựng kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, tác động lan tỏa Chương trình OCOP ngoài mục đích phát triển kinh tế, còn có ý nghĩa trong giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn như: Giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo, niềm tự hào của người dân và hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và kiến thức tiếp cận thị trường; phát huy nguồn lực cộng đồng về tri thức quản trị, các giá trị văn hóa truyền thống, lối sống của cư dân nông thôn.
Có thể nói, Chương trình OCOP đã tác động tích cực đến việc phát triển các mô hình sản xuất mới có hiệu quả, công tác ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới góp phần nâng cao chất lượng, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp; công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu được quan tâm; loại hình kinh tế hợp tác xã làm ăn có hiệu quả làm cơ sở nhân rộng trong thời gian tới; hình thành và phát triển liên kết hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các chủ thể tham gia Chương trình OCOP tiếp cận được các chính sách hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá và phát triển sản phẩm ngày càng tốt hơn.
Phát huy kết quả đạt được, giai đoạn 2021-2030, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và Chương trình OCOP tỉnh triển khai kế hoạch tiếp tục củng cố các sản phẩm OCOP đã được công nhận, tập trung nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, phát triển thêm các sản phẩm tiềm năng theo định hướng của các địa phương như: Bưởi da xanh, hành củ, măng khô, muối, chả cá, cá cơm khô…
Anh Tùng