Nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả
Có mặt trên cánh đồng lúa ở khu phố 6, thị trấn Phước Dân, từ sáng sớm chúng tôi nhận thấy rất đông bà con ra đồng. Các loại máy gặt đập liên hợp, xe chở lúa hoạt động tấp nập để thu hoạch lúa cho bà con. Vụ đông - xuân năm nay thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, nguồn nước ổn định nên lúa đạt năng suất cao, trung bình đạt 8-9 tấn/ha. Bên cạnh đó, giá lúa cũng tăng cao, từ 7.500-8.000 đồng/kg, nên bà con rất phấn khởi. Theo lãnh đạo địa phương, vụ đông - xuân năm nay, thị trấn Phước Dân thực hiện 3 cánh đồng lúa lớn tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Quý, HTX Dịch vu nông nghiệp Bàu Trúc và HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Quý với tổng diện tích 365 ha/891 hộ tham gia, liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố nên khá thuận lợi trong các khâu sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Nông dân huyện Ninh Phước ứng dụng cơ giới hóa thu hoạch lúa vụ đông - xuân.
Không chỉ tại thị trấn Phước Dân mà tại hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật nên sản xuất đều mang lại hiệu quả cao. Trong vụ đông - xuân này, huyện Ninh Phước đã triển khai gieo trồng với tổng diện tích 8.334,7 ha, đạt 98,7% kế hoạch. Trong đó, cây lúa chiếm diện tích nhiều nhất với 5.291,23 ha; tiếp đó là cây bắp 866,3 ha và cây rau màu các loại 1.566 ha. Với điều kiện sản xuất thuận lợi và tinh thần chịu khó của người nông dân, toàn huyện đã triển khai 14 cánh đồng lớn. Trong đó, có 11 cánh đồng lớn trồng lúa với tổng diện tích 2.156 ha, (tăng 78 ha) tại các xã Phước Hậu, Phước Thái, Phước Dân, Phước Thuận, Phước Hữu và Phước Sơn. Cùng với cây lúa, huyện đã triển khai mô hình cánh đồng lớn sản xuất giống bắp, quy mô 8 ha tại xã Phước Vinh và 2 cánh đồng lớn sản xuất măng tây với diện tích 55 ha (tăng 5 ha) tại 2 xã An Hải và Phước Hải với 148 hộ dân tham gia. Các địa phương cũng đã luân canh, chuyển đổi 38,2 ha cây trồng hàng năm như bắp, dưa hấu, cỏ chăn nuôi và các loại rau màu, cây đặc sản nho, táo tại địa phương; tiếp tục nhân rộng mô hình VietGAP với 97,52 ha, gồm 15 ha nho, 42,5 ha táo, 30 ha măng tây xanh; mô hình tưới tiết kiệm được nhân rộng với diện tích 538,6 ha.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ninh Phước cho biết: Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của huyện, cùng các ngành chức năng và sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của nông dân nên vụ sản xuất đông - xuân 2020-2021 đạt kết quả tốt và đúng theo kế hoạch. Công tác điều tiết nước hợp lý, đảm bảo phục vụ sản xuất; tình hình dịch bệnh trên các loại cây trồng, vật nuôi được không chế. Các mô hình cánh đồng lớn, san phẳng mặt ruộng bằng tia laser tiếp tục được duy trì và mở rộng. Kết quả, giá trị sản xuất trong quý I-2021 của ngành Nông nghiệp huyện Ninh Phước đạt 828,73 tỷ đồng, đạt 31,1% kế hoạch năm và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Linh hoạt, chủ động trong sản xuất vụ hè - thu
Nhằm đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả, chất lượng và giá trị sản phẩm trong vụ hè - thu 2021, UBND huyện Ninh Phước đã chỉ đạo phòng chức năng, các xã, thị trấn căn cứ tình hình thực tế lượng nước tích được tại các hồ chứa để có phương án sản xuất phù hợp, linh hoạt. Hiện nay, lượng nước tích tại các hồ trên địa bàn huyện như hồ Bàu Zôn còn 0,75/1,69 triệu m3, hồ Tà Ranh 0,36/1,22 triệu m3, hồ Lanh Ra 9,15/13,89 triệu m3. Trong vụ hè - thu tới huyện sẽ tạm ngừng sản xuất đối với khu vực thuộc hệ thống tưới hồ Bầu Zôn, Tà Ranh và hồ Tân Giang, ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất hoa màu và cây lâu năm; chỉ sản xuất ở vùng chủ động nước, hưởng lợi từ hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) thuộc hệ thống tưới kênh Nam, kênh Chàm và kênh Nam 2 với tổng diện tích 8.413 ha cây trồng các loại. Trường hợp trên địa bàn có mưa, các hồ chứa đạt trên 80% dung tích thiết kế, huyện sẽ mở rộng diện tích sản xuất lên 9.465 ha. Huyện cũng có kế hoạch chuyển đổi, luân canh đối với 19,5 ha cây trồng, nhằm tiết kiệm nước như cỏ chăn nuôi, rau màu, nho táo; nhân rộng mô hình san phẳng mặt ruộng bằng tia laser diện tích 29,4 ha tại xã Phước Hậu, Phước Sơn và Phước Thuận.
Theo ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, để sản xuất hiệu quả, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các ngành chức năng triển khai kế hoạch sản xuất gắn với đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, nhân rộng các mô hình hiệu quả, cánh đồng lớn trên địa bàn. Triển khai kế hoạch gieo trồng hợp lý theo đúng hướng dẫn, lịch thời vụ; mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh; tăng cường liên kết 4 nhà, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp với nông dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, củng cố các tổ thủy nông cơ sở, khắc phục các hệ thống kênh tưới và đầu tư nâng cấp các tuyến kênh. Xây dựng lịch điều tiết nước cụ thể cho từng vùng, từng xứ đồng. Trước mắt, các xã, thị trấn vận động nông dân tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa đông - xuân 2020-2021, sớm tổ chức cày ải phơi đất, hạn chế mầm bệnh và xuống giống theo đúng lịch thời vụ để né rầy cho từng vùng, từng cánh đồng và thuận lợi cho công tác điều tiết nước. Đặc biệt trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường hiện nay, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao ý thức phòng, chống hạn, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, gắn với chuyển đổi cây trồng, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất.
Anh Tuấn