Được đánh giá là “thủ phủ” chăn nuôi gia súc của cả nước, tuy nhiên hoạt động chăn nuôi ở tỉnh ta còn manh mún, tự phát, điều kiện cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật nuôi của nhiều nông hộ còn hạn chế. Mặt khác, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, đồng cỏ tự nhiên cho chăn thả gia súc ngày càng thu hẹp để dành quỹ đất cho các chương trình, dự án phi nông nghiệp khác… là những yếu tố tác động trực tiếp đến quá trình phát triển tổng đàn. Để tạo “cú hích” cho nghề chăn nuôi gia súc phát triển một cách bền vững, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ; đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án “Phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030” đã tạo động lực quan trọng, thúc đẩy hoạt động chăn nuôi trong vài năm trở lại đây phát triển tương xứng với tiềm năng tại địa phương.
Nông dân xã Phước Trung (Bác Ái) đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc theo mô hình trang trại cho thu nhập cao.
Dựa trên cơ sở định hướng của đề án, các địa phương tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi phù hợp với từng khu vực, khuyến khích, vận động nông hộ mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi tập trung gắn với trồng cỏ. Từ sự hỗ trợ tích cực, nhiều hộ chăn nuôi chủ động tận dụng đất đai ở những khu vực xung quanh hồ đập, ven sông suối, nước giếng để trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc, với diện tích đạt 1.264 ha; đồng thời, dự trữ phụ phẩm nông nghiệp, đáp ứng khoảng 45% nhu cầu thức ăn cho gia súc. Cùng với đó, các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi được ưu tiên triển khai đã tạo điều kiện hình thành các trang trại chăn nuôi với quy mô ngày càng lớn, với 26 trang trại nuôi bò, dê, cừu và 54 trang trại chăn nuôi heo tập trung hiện nay. Tiêu biểu trong hoạt động này phải kể đến mô hình nuôi 600 con cừu vỗ béo theo phương thức nuôi nhốt của hộ ông Phạm Minh Quang, ở thôn 3, xã Nhị Hà (Thuận Nam), thông qua hỗ trợ của ngành chức năng, ông mạnh dạn đầu tư 4 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại quy mô lớn, kết hợp trồng cỏ, công tác kiểm soát dịch bệnh được thực hiện chặt chẽ, mỗi lứa xuất bán khoảng 300 cừu con, sau khi trừ đi chi phí, cho thu lãi ổn định 150 triệu đồng.
Đáng ghi nhận hơn, mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị ngày càng được nhân rộng, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi liên kết với nông dân theo hình thức bà con có chuồng trại, công chăm sóc, đất trồng cỏ, doanh nghiệp đầu tư vốn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo chu kỳ khép kín đưa đến lợi ích hài hoà cho các bên tham gia. Điển hình như chủ cơ sở giết mổ dê, cừu Bích Huyền, ở phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm); cơ sở Lê Thị Hoa, ở xã Phước Vinh (Ninh Phước)… liên kết với với hàng trăm hộ chăn nuôi dê, cừu trên địa bàn tỉnh cung cấp giống nuôi và tổ chức thu mua sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Kết quả mang lại của mô hình liên kết làm tăng hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi và đang tiếp tục nghiên cứu để được nhân rộng trong thời gian tới. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng đã chủ trương cải tiến và nâng cao năng suất, chất lượng gia súc chủ lực theo hướng lai tạo các giống mới, nhằm cải thiện tầm vóc của giống vật nuôi đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, được người dân đồng tình hưởng ứng như: Mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, cho tỷ lệ bò thụ thai đạt trên 70%, rút ngắn khoảng cách lứa đẻ, giảm bớt chi phí nuôi; mô hình sử dụng tinh bò đực giống Brahman, cho trọng lượng 22,5 kg/con, thu nhập cao hơn bò địa phương từ 1,5-1,7 triệu đồng/con; phương pháp hoán đổi dê, cừu đực giống giữa các hộ chăn nuôi nhằm tránh nguy cơ đồng huyết… Qua đó, giúp người dân từng bước tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, nâng cao giá trị gia tăng, làm tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm ngành chăn nuôi.
Từ những giải pháp đồng bộ, đến nay ngành chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, với tổng đàn gia súc hiện có trên 465.360 con; trong đó, đàn bò, dê, cừu chiếm 373.684 con; đàn heo 91.517 con. Giai đoạn 2016-2020, ngành chăn nuôi tăng trưởng bình quân hàng năm là 6,2%, giá trị ngành chăn nuôi chiếm 28,9% trong tổng cơ cấu nông-lâm-nghiệp.
Mục tiêu đề ra đến năm 2030, nâng tổng đàn dê, cừu toàn tỉnh đạt 305.000 con; trâu, bò 145.000 con; đàn heo 200.000 con và trở thành ngành sản xuất có giá trị kinh tế cao trong tổng thể ngành Nông nghiệp của tỉnh. Theo đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quan điểm chung của sở là tập trung chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng đàn, phát triển những sản phẩm vật nuôi có tiềm năng, thế mạnh gắn với việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu đặc thù để nâng sức cạnh tranh thị trường. Cùng với đó, tăng cường rà soát, nhận diện thực trạng chăn nuôi ở từng địa phương để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi phù hợp.
Hồng Lâm