Sản xuất vụ này được đánh giá là thắng lợi toàn diện: Vừa được mùa, vừa được giá; công tác xây dựng cánh đồng lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được mở rộng, giúp nông dân có thu nhập ổn định và yên tâm đầu tư sản xuất vụ tiếp theo.
Nông dân huyện Ninh Phước thu hoạch lúa vụ đông – xuân 2020-2021.
Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, thắng lợi vụ lúa đông - xuân 2020-2021 tạo niềm vui phấn khởi cho nông dân đã đành, nhưng qua đó thấy được chủ trương thực hiện sản xuất 2 vụ lúa/năm (trước đây sản xuất 3 vụ/năm), nhân rộng cánh đồng lớn của tỉnh là đúng đắn. Tại huyện Thuận Nam, nhờ ngưng sản xuất lúa vụ mùa 2020 nên đã hạn chế được tình trạng đất bạc màu, đến vụ đông - xuân lúa phát triển tốt, năng suất có nơi đạt 8,8 tấn/ha. Từ tiên phong trong thực hiện mô hình sản xuất 2 vụ lúa/năm, nông dân Thuận Nam được hỗ trợ 1,1 tấn giống lúa Đài thơm 8 do Công ty Cổ phần Giống cây trồng Miền Nam cung cấp đã tạo đột phá trong tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Ông Dương Thành Nhân, Giám đốc kinh doanh Công ty khẳng định: Giống lúa Đài thơm 8 đã được trồng khảo nghiệm 3 năm trước, qua thực tế sản xuất cho thấy thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở Ninh Thuận. Vụ đông- xuân này, ngoài Thuận Nam, Công ty còn cung cấp giống cho nhiều địa phương khác cùng sản xuất trên quy mô lớn. Giá lúa đang tăng mạnh, lúa phơi một nắng thương lái mua 8.000 đồng/kg, cao hơn 1.000 đồng so với vụ trước. Với giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân sản xuất 1 ha lúa thu lãi 30 triệu đồng.
Nông dân Phước Nam (Thuận Nam) thu hoạch lúa đạt sản lượng gần 1 tấn/sào. Ảnh: Văn Nỷ
Một điểm mới đáng kể, đó là, cây mỳ đã khẳng định được vị thế trên vùng đất hạn. Niên vụ mỳ 2020-2021, toàn tỉnh sản xuất 4.200 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Ninh Sơn và Bác Ái. Sau một thời gian hộ trồng mỳ gặp khó khăn do bệnh khảm lá hoành hành, thì đến niên vụ này tình hình được cải thiện nhờ ngành chức năng, các địa phương khuyến cáo nông dân sử dụng giống mới, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Do nhu cầu nguyên liệu năm nay tăng, nên Nhà máy tinh bột sắn Fococev Ninh Sơn thực hiện liên kết tiêu thụ toàn bộ sản lượng mỳ của nông dân (khoảng 75.600 tấn) với giá giao động từ 1.800 đồng đến 2.000 đồng/kg, hộ trồng lãi khoảng 30 triệu đồng/ha. Việc giá mỳ tăng như hiện nay là tín hiệu mừng, giúp nông dân trong tỉnh có được nguồn thu nhập ổn định, nhưng cũng là thách thức khi bà con sẽ mở rộng diện tích trong niên vụ 2021-2022 dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch vùng cây nguyên liệu. Để hạn chế tình trạng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã khuyến cáo, vận động nông dân không mở rộng diện tích mỳ trong niên vụ tới, mà tập trung thâm canh tăng năng suất.
Vụ đông - xuân này, toàn tỉnh chuyển đổi cây trồng được được hơn 557 ha, đạt 117,9% kế hoạch; trong đó, diện tích chuyển đổi trên đất lúa gần 377 ha, đạt 108,4% kế hoạch, diện tích chuyển đổi trên đất khác hơn 180 ha, đạt 144,2% kế hoạch. Thời điểm hiện nay, các loại cây trồng cạn ngắn ngày như đậu xanh, kiệu, bắp… ở những vùng chuyển đổi cũng đã đến kỳ thu hoạch. Nông dân rất phấn khởi vì được mùa, sản phẩm doanh nghiệp bao tiêu với giá ổn định. Đơn cử, qua giới thiệu, tạo điều kiện của ngành chức năng, địa phương, tư thương ở tỉnh Đồng Tháp và Khánh Hòa ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng củ kiệu cho nông dân huyện Ninh Sơn với quy mô 50 ha, sản lượng 550 tấn, giá thu mua 25.000 đồng/kg.
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhìn nhận: Sản xuất vụ đông – xuân 2020-2021 thu được nhiều thắng lợi một phần nhờ vào đơn vị chức năng thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1295/QĐ-UBND ngày 4-8-2020 của UBND tỉnh về phê duyệt diện tích sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi năm 2021. Theo đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng lịch điều tiết nước cụ thể cho từng tuyến kênh, từng xứ đồng, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu nước làm giảm năng suất cây trồng. Ngay từ đầu vụ, sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp cùng với các địa phương làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng. Một số mô hình mới như “1 phải 5 giảm” trong sản xuất lúa, san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, tưới tiết kiệm nước… được nhân rộng giúp nông dân có điều kiện ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Vụ đông - xuân 2020-2021 thu được nhiều thắng lợi tạo niềm tin phấn khởi để nông dân an tâm đầu tư sản xuất vụ hè – thu 2021 với kỳ vọng đạt được kết quả cao hơn.
Anh Tùng